Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị VKSNDTC truy tố một số bị can nguyên là cán bộ chủ chốt tại Ngân hàng liên doanh Việt - Nga (VRB.HCM) đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Trong đó thủ phạm chính cùng thực hiện hành vi phạm tội này cùng với các bị can là cặp vợ chồng Hồ Minh Hậu - Phạm Thị Ái Loan, Giám đốc Công ty TNHH An Phúc đã bỏ trốn hiện đang có lệnh truy nã quốc tế. Nhưng đa số cán bộ công nhân viên ở Công ty TNHH An Phú rất bất bình cho rằng vụ án này vẫn còn bỏ lọt tội phạm chính liên quan đến ông Lê Văn Bằng, nguyên Tổng giám đốc Công ty thực phẩm miền Bắc và các cấp dưới vẫn chưa được làm rõ.
Giữa tháng 12-2009, VRB.HCM gửi công văn đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an tố cáo vợ chồng Hồ Minh Hậu - Phạm Thị Ái Loan đã thành lập và điều hành các công ty như: Minh Chí tại phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh; An Phúc tại thị trấn Dĩ An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương; An Bình Phú tại phường Lộc Sơn, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và trực tiếp liên hệ với VRB.HCM vay vốn để thu mua nông sản xuất khẩu. Từ tháng 5-2008 đến tháng 11-2009, ba công ty trên được VRB.HCM nhiều lần giải ngân cho vay hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều khoản được hưởng hỗ trợ lãi suất theo gói kích cầu của Chính phủ; còn nợ 171 tỷ đồng đã quá hạn nhưng không có khả năng thanh toán, vợ chồng Hậu - Loan bỏ trốn. Kết quả điều tra cho thấy:
Khoảng tháng 5-2008, Hậu và Loan đến gặp Giám đốc VRB.HCM Lê Nông đặt quan hệ tín dụng cho Công ty Minh Chí và Công ty An Phúc vay để bổ sung vốn lưu động kinh doanh cà-phê xuất khẩu.
Phạm Thị Ái Loan ký giấy gửi VRB.HCM đề nghị vay với số tiền hạn mức là 150 tỷ đồng. Tài sản thế chấp gồm nhiều “món” nhưng chỉ có một số nhà đất ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Công ty Minh Chí và VRB.HCM đã ký hợp đồng thế chấp tài sản, đã công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Số tài sản thế chấp còn lại thuộc vào loại “có rắc rối”.
Biết rõ tình trạng tài sản thế chấp của Công ty Minh Chí như trên nhưng Trần Đình Diệu, Lê Vũ Trường Sanh là cán bộ, lãnh đạo Phòng QHKH; Trần Lâm Tuấn, Trương Văn Quốc là cán bộ, lãnh đạo Phòng Quản lý rủi ro và Lê Nông, Giám đốc VRB.HCM vẫn lập báo cáo, đề nghị Tổng giám đốc Ngân hàng liên doanh Việt Nga (VRB) cấp hạn mức tín dụng cho Công ty Minh Chí 150 tỷ đồng (VRB.HCM là đơn vị hạch toán phụ thuộc Ngân hàng VRB). VRB đồng ý cấp hạn mức tín dụng 130 tỷ đồng cho Công ty Minh Chí. Tuy nhiên, Trần Đình Diệu, Lê Vũ Trường Sanh và Trần Hoàng (Phó giám đốc VRB.HCM), không thực hiện đúng, đầy đủ các điều kiện đã được VRB phê duyệt, tiến hành soạn thảo và ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn với Phạm Thị Ái Loan hạn mức 130 tỷ đồng. Đến đầu tháng 12-2009, Công ty Minh Chí mất khả năng thanh toán, Hồ Minh Mậu và Phạm Thị Ái Loan bỏ trốn trong khi còn nợ quá hạn 17 khoản vay với số tiền là 117,17 tỷ đồng và lãi suất tiền vay (đến ngày khởi tố) trên 1,97 tỷ đồng.
Thiệt hại về vật chất trong vụ án được xác định là trên 128,9 tỷ đồng, trong đó VRB.HCM thiệt hại về vốn vay và lãi suất là trên 124 tỷ đồng, thiệt hại trong việc hỗ trợ lãi suất trên 4,7 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty thực phẩm miền Bắc cũng kiện ra tòa án yêu cầu Công ty An Phúc trả nợ số tiền 161 tỷ đồng.
Trao đổi với ông Nguyễn Trọng Lạc, là thành viên của Công ty An Phúc, ông Lạc rất bức xúc cho biết: Thật là kỳ lạ, chính vụ án này tôi là người có nhiều đơn tố cáo gửi đến các cơ quan có trách nhiệm từ T.Ư đến địa phương để yêu cầu làm rõ vụ tiêu cực bê bối trên. Vì nhân vật liên quan chính vụ án là ông Lê Văn Bằng, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm miền Bắc, kiêm Giám đốc Trung tâm kinh doanh nhập khẩu cà-phê là người thao túng cho vợ chồng Hậu - Loan và nhiều người khác là anh em, chú bác ruột của ông Bằng đã làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến 2009, Công ty thực phẩm miền Bắc đã ký bất hợp pháp với Công ty TNHH An Phúc gần 30 hợp đồng mua bán cà-phê và chuyển cho công ty này vài trăm tỷ đồng. Hiện nay Công ty An Phúc còn nợ Công ty thực phẩm miền Bắc 160 tỷ đồng theo biên bản xác nhận giữa ông Tín và ông Bằng đã ký. Nhưng thực chất số tiền trên ông Lê Quang Tín, em ruột ông Bằng đã rút ra gần 60 tỷ đồng và ông Lê Văn Dực, em ruột ông Bằng rút ra hơn 100 tỷ đồng. Ông Bằng còn chỉ đạo cho các em ruột của mình chuyển cho ông Hồ Minh Hoàng, anh ruột Hồ Minh Hậu khoảng 25 tỷ đồng để sử dụng vào mục đích cá nhân. Theo báo cáo kiểm toán thì mục hàng tồn kho của công ty là 526 tỷ đồng nhưng thực tế trong kho không có số hàng tồn nào, đây là chứng từ khống để ông Bằng dễ bề làm thế chấp với Ngân hàng Vietcombank Bình Dương cho Công ty An Bình Phúc vay 100 tỷ đồng. Riêng mục phải trả nợ của Công ty thực phẩm miền Bắc là hơn 1.384 tỷ đồng, trong đó nợ ngân hàng là 1.200 tỷ đồng. Hiện tại mất khả năng thanh toán là 171 tỷ, lỗ 239 tỷ đồng.
Để chiếm đoạt được hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước, ông Bằng đã lôi kéo nhiều thành phần cùng tham gia, chủ yếu là những người thân thiết, họ hàng để việc chiếm đoạt không bị bại lộ. Đồng thời thành lập một hệ thống các công ty TNHH, từ đó ký các hợp đồng mua bán khống nhằm mục đích che đậy cho các hành vi chiếm đoạt. Ông Bằng đã lôi kéo vợ chồng Hậu - Loan vào tổ chức phạm tội của mình bằng cách bổ nhiệm Hồ Minh Hậu chức Phó giám đốc Trung tâm kinh doanh xuất nhập khẩu cà-phê thuộc Công ty thực phẩm miền Bắc mà ông làm giám đốc. Sau đó ông giao cho Hậu cùng những người thân thiết của mình thành lập thêm nhiều công ty sân sau để từ đó lập hồ sơ khống vay tiền các ngân hàng và chiếm đoạt luôn. Hành vi phạm tội nêu trên đã rõ, nhưng đến nay ông Lê Văn Bằng vẫn không bị cơ quan pháp luật khởi tố điều tra. Vụ án đang có nguy cơ bị chìm xuống?
Thắng Cảnh