Tại bến xe ở nhiều huyện, tỉnh, thành trong cả nước, người ta rất dễ bắt gặp cảnh quý ông quay mặt vào đuôi xe, góc khuất để tiểu tiện. Dù là ban ngày, họ vẫn vô tư “xả nước” trước những cặp mắt ái ngại của nhiều người qua lại. Vào buổi tối, hình ảnh xấu xí này càng diễn ra nhiều hơn. Chẳng những đàn ông mà nhiều quý bà trung niên, cao niên cũng thế. Lạ một điều, mặc dù ở các bến xe đều có đến 3-4 dãy nhà vệ sinh công cộng nhưng họ vẫn không chịu đi mà cứ nhằm vào đuôi xe mà tiểu tiện. Vậy nguyên nhân nằm ở đâu?

Nếu nói là lười vào nhà vệ sinh thì chắc là không. Vì xung quanh bến xe có nhiều nhà vệ sinh công cộng, đi vài chục mét là tới chứ đâu xa xôi gì. Còn nói về sợ tốn tiền, trường hợp này chắc có nhưng ít. Giá cho một lần đi tiểu tiện ở các nhà vệ sinh chỉ từ 2.000-3.000 đồng. Ai lại đi tiết kiệm chỉ vài nghìn bạc lẻ. Vả lại, hiện nay, vài bến xe buýt, nhiều ngân hàng (Sacombank là ví dụ điển hình) đã tài trợ xây nhà vệ sinh công cộng miễn phí sạch sẽ. Cho nên chê nhà vệ sinh kém vệ sinh cũng không đúng.

Nguyên nhân chính có lẽ là do ý thức của rất nhiều cá nhân quá kém. Chẳng riêng gì ở bến xe, ngay cả nhiều hàng cây xanh rì, bức tường khang trang cũng bị nhiều người vô tư phóng uế. Dù có dán biển thông báo phạt tiền của UBND địa phương cũng không làm họ sợ. Với lối suy nghĩ tiểu tiện như thế là tiện lợi, thoải mái đã khiến cho môi trường thành phố bị ô nhiễm. Thương nhất là nhiều người lao công phải “đối mặt” với điều này. Bực mình là chuyện không thể tránh khỏi.

Để đô thị, thôn quê văn minh, con người có văn hóa thì rất cần mọi cá nhân chung tay góp sức. Cũng mong rằng chính quyền địa phương mạnh tay hơn trong việc xử phạt việc làm mất vệ sinh nơi công cộng chứ không thể treo băng-rôn tuyên truyền, đặt biển cảnh báo suông.

Đặng Trung Thành