Hà Nội là một trong những địa phương điều chỉnh giá viện phí cuối cùng, tăng giá với 819 dịch vụ. Kinh phí thu từ khám chữa bệnh sau khi điều chỉnh tăng, từ 1.200 tỷ đồng/năm lên gấp đôi, 2.400 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, khả năng là các bệnh viện tránh phải bù lỗ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đưa tới đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Nhưng cũng là tăng gánh nặng cho người nghèo trong khám chữa bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: Ba bất cập đang tồn tại trong khám chữa bệnh là quá tải nên người bệnh phải chờ đợi quá lâu; thủ tục hành chính giấy tờ gây phiền hà và thái độ của một bộ phận bác sĩ, nhân viên y tế chưa tận tình. Cùng lúc như thế thì giá dịch vụ chi trả cho BHYT quá thấp, người dân phải mua thêm nhiều thuốc, dụng cụ. Mặc dù phải bỏ tiền túi ra mà sự phiền hà kèm theo lại gây khó chịu. Thực trạng này diễn ra rất lâu, từ nhiều năm nay mà vẫn chưa thể cải thiện.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến hi vọng, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, cải cách thủ tục, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là bước đáng ghi nhận của ngành và sẽ tăng sự hài lòng về phía người dân. Bộ trưởng khẳng định, ngành y tế sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục khám, chữa bệnh ở các khoa; rút thời gian chờ đợi từ 4-7 giờ trước đây xuống còn 2-3 giờ. Giảm bớt số chữ ký từ 6-7 chữ mới được khám xong xuống còn 4 chữ ký. Đặc biệt, Bộ yêu cầu các bệnh viện phải mở thêm bàn khám bệnh, các ô tiếp đón, phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám để người bệnh không mất nhiều thời gian chờ đợi, đi lại, giảm bớt phiền hà. Chính phủ đã phê duyệt Đề án giảm tải bệnh viện và từ tháng 8 đã tăng gần 200 dịch vụ y tế. Tuy nhiên, chất lượng khám, chữa bệnh liệu có được nâng cấp, cải thiện hơn, cần phải có thời gian để có câu trả lời?

Mối quan tâm của mọi người là đợt tăng viện phí lần này sẽ ảnh hưởng lớn tới người nghèo, cận nghèo, người mắc bệnh nan y và người không có thẻ BHYT. Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết, nhiều bệnh viện đã phản ánh những khó khăn của bệnh nhân nghèo khi có bệnh phải điều trị hàng tháng hoặc phải chi phí tới vài chục triệu đồng thì mức cùng chi trả 5% chi phí là một gánh nặng lớn. Để bớt gánh nặng cho người bệnh nghèo không đủ sức chi trả viện phí, Bộ Y tế và cơ quan BHXH đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thiết lập quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo cấp T.Ư; đồng thời giữ cơ chế cùng chi trả 5%, nhưng đưa ra giới hạn tối đa cho mỗi lần chi trả, nếu vượt ngưỡng thì Nhà nước sẽ hỗ trợ. Những giải pháp này cũng góp phần sẻ chia bớt gánh nặng cho người còn khó khăn.

Chí Đức