Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho phân khúc nhà giá rẻ được tung ra thị trường từ ngày 1-6-2013 và hướng tới mục tiêu: Tạo lập nhà ở cho người lao động hưởng lương ngân sách, người có thu nhập thấp, qua đó góp phần tiêu thụ và làm ấm thị trường bất động sản, giải quyết vật liệu xây dựng tồn kho, tạo việc làm cho người lao động. Cơ cấu phân bổ gói tín dụng này được quy định như sau: Dành tối đa 30% để cho vay đối với doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội; 70% còn lại dành cho người dân (có đủ điều kiện đáp ứng các thủ tục) vay mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, có vẻ như các cơ quan chức năng, các ngân hàng chỉ tập trung ưu tiên đối tượng khách hàng doanh nghiệp mà ít quan tâm đến nhu cầu của các hộ gia đình, cá nhân… Nếu quá tập trung cho doanh nghiệp vay gói ưu đãi mà "bỏ quên" khách hàng cá nhân, có thể khiến mục tiêu của gói hỗ trợ tín dụng này bị chệch hướng, do nguồn cung tiếp tục tăng lên trong khi cầu bị hạn chế, như thế càng gây ra tình trạng dư thừa, tồn kho bất động sản. Như vậy không chỉ giải ngân quá chậm mà gần như đã lạc đối tượng. Gói tín dụng này để trợ giúp người thu nhập thấp chứ không phải giải cứu doanh nghiệp.
Nhưng tại sao người thu nhập thấp khó tiếp cận gói tín dụng này?. Không phải ngẫu nhiên, chương trình “gặp nhau cuối năm” vừa rồi có ví việc thực hiện các thủ tục vay trong gói tín dụng 30.000 tỷ như trò “leo cột mỡ” đánh đố người dân. Rào cản lớn nhất trong việc ít người vay được chính là “rừng” thủ tục vô cùng khó khăn với những quy định nhiêu khê, tréo ngoe khiến người dân như lạc vào “mê cung” không lối thoát. Những rối rắm, nhiêu khê ấy đã khiến nhiều người đành ngậm ngùi từ bỏ giấc mộng sở hữu một căn nhà ở xã hội cho dù đã tốn không ít thời gian, công sức chạy vạy, theo đuổi.
Vậy là sau 6 tháng triển khai thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ, tiến độ giải ngân gói tín dụng này rất thấp, không đạt mục tiêu đề ra, không đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ, của đông đảo người dân và của cả nền kinh tế, nhất là sự mong mỏi của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động có thu nhập thấp và đang gặp khó khăn về nhà ở.
Chủ trương hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp thông qua gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách an sinh xã hội hướng đến người dân, giúp người còn khó khăn có cơ hội cải thiện nhà ở, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Để chủ trương này thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu và điều kiện của người dân, các cơ quan chức năng cần sớm xem xét, tháo gỡ những rào cản về thủ tục để người có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hiện thực hóa mong ước “an cư, lạc nghiệp”.
Dương Sơn