Dự án điều tra, khảo sát, đánh giá tác động ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh do Quỹ CCB Mỹ tại Việt Nam (VVAF) và Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (BOMICEN - Bộ Quốc phòng) tiến hành trong 5 năm (2004-2009) vừa kết thúc và kết quả được công bố tại Hội nghị ngày 31-8-2009 tại Hà Nội.
Hơn 1/3 diện tích đất đai ở 6 tỉnh miền Trung với hơn 3.000 khu vực, tổng diện tích sấp xỉ 1,6 triệu ha được xác định là ô nhiễm bom mìn. Hầu hết mỗi xã phường đều có 1-2 khu vực ô nhiễm, gần 12% số xã, phường có trên 90% diện tích là bãi bom mìn cũ. Ngoài 6 tỉnh miền Trung ô nhiễm nặng nhất, bom mìn, vật liệu nổ sót lại còn rải rác ở 63 tỉnh, thành, ước tính khong 6.6 triệu héc ta đất ô nhiễm.
Theo số liệu điều tra của BOMICEN, tính đến năm 2000, Việt Nam có 42.135 người chết và 62.163 người bị thương vì các loại vũ khí, vật liệu nổ sót lại trên cả nước kể từ năm 1964 đối với miền Bắc và từ năm 1975 đối với miền Nam. Trong những khu vực này, Quảng Trị, Quảng Bình là 2 tỉnh có tổng số nạn nhân lớn nhất trong 39 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc. Quảng Trị có 6760 trường hợp và Quảng Bình có 5847 trường hợp. 34% số người gặp nạn do hoạt động thu lượm phế liệu, 27,5% do hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, 21% là trẻ em khi đang chơi, đùa nghịch vướng phải bom mìn. Tỷ lệ tử vong phần lớn là nam giới, trong độ tuổi 18-45, lực lượng lao động chính trong gia đình.
Theo ước tính của Bộ Quốc phòng, với tiến độ rà phá 20 nghìn hecta đất mỗi năm như hiện nay, Việt Nam phải mất 300 năm với kinh phí hơn 10 tỉ USD mới làm sạch hết đất ô nhiễm bom mìn. Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Công binh Phan Đức Tuấn đã cho biết như vậy trong hội nghị.
Quang Vinh