Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh (ngồi bên phải) cùng đồng đội thời trẻ.

Chúng tôi đến thăm Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh - nguyên Phó giám đốc Học viện Khoa học quân sự vào một ngày giữa tháng 6 nóng nực.

Ông tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở xã Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, T.P Hà Nội. Đã ở tuổi 93, ông vẫn khỏe mạnh, tươi tắn khi tiếp chúng tôi. Ông hào hứngkể: “Tháng trước, trong Đoàn Ban Liên lạc CCB Sư đoàn 308(Đại đoàn Quân Tiên phong) vào thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị, tôi là người cao tuổi nhất đấy. Mấy hôm đó trời nóng hầm hập, nhưng đi thăm, tri ân ân nhân cũ nên quên cả mệt...”.

Câu chuyện về cuộc đời binh nghiệp dài tới gần nửa thế kỷ của ông cuốn hút  tôi. Từ những ngày còn niên thiếu, ông đã tham gia bảo vệ Thủ đô, rồi vào bộ đội lên chiến khu theo kháng chiến. Từng cùng đồng đội truy kích địch trên đất bạn Lào, rồi được “đánh” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ... Kỷ niệm về cuộc đời trong quân ngũ của ông thật nhiều. Nhất là những ngày đầu “làm lính tò te” (theo cách nói của ông), đầy nhiệt huyết, trong sáng và có phần ngô nghê của tuổi học trò...  Quê ông ở đất Đại Mỗ, nhưng sinh ra và lớn lên ở phố Huế, học tiểu học ở Trường Phan Chu Trinh, Hà Nội.

Ông kể: “Tôi may mắn được anh Hồng Cư, học sinh Trường Bưởi (sau này là Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị); anh Trần Xuân Trường (sau là Trung tướng, Giám đốc Học viện Chính trị)  dẫn dắt tham gia Vệ quốc từ khi 15 tuổi ở Đội liên lạc đặc biệt, có nhiệm vụ chuyển tài liệu vào Thành cho Bộ Tổng chỉ huy. Đội có 5 người, đóng ở Canh Nậu Á, do anh Hồng Cư làm Đội trưởng, anh Tín làm Đội phó. Đội viên có ba người là tôi, anh Bùi Tiến Đông và anh Doãn Nho (nhạc sĩ Doãn Nho - PV). Sau này cả ba chúng tôi đều phục vụ Quân đội đến khi nghỉ hưu và được phong quân hàm lên đến cấp Đại tá. Hằng năm chúng tôi vẫn về thăm lại nhà ông Hai Dư - nơi Đội liên lạc đóng quân năm xưa.

Nhiệm vụ của Đội là đưa công văn vào Thành và nhận công văn từ trong Thành chuyển đến đơn vị. Công văn được chuyển theo từng chặng, nên mỗi đội chỉ biết phạm vi của mình được giao. Đó là nhiệm vụ quan trọng nên tôi cảm thấy rất oai! Nhất là khi ấy, tôi được giao một khẩu súng Cạc-bin, do Mỹ sản xuất. Khẩu súng đã cũ, lại không được phát đạn, nhưng đeo vào trông oách lắm. Tôi rất chăm lau chùi và giữ gìn khẩu súng cẩn thận. Mỗi lần đi giao công văn, tôi mặc chiếc quần của lính Nhật có sọc trắng dọc hai bên ống, đeo khẩu cạc bin rồi cưỡi lên chiếc xe đạp Stec-linh mà thấy mình thật tự tin và hãnh diện. Mẹ tôi mua cho tôi chiếc quần sọc trắng chỉ dài quá gối; ống chân cuốn xà cạp. Ngày ấy, mỗi người phải tự lo quần áo của mình, thường là mang theo từ nhà. Còn ăn uống thì đã có cơ sở cách mạng nuôi... Vậy nên, có được cái quần tử tế như thế là oai lắm rồi.

Tôi chính thức gia nhập Quân đội ngày 26-7-1947, vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, thuộc Bộ Tổng tư lệnh bảo vệ T.Ư Đảng, Chính phủ. Tôi là liên lạc viênvà được phát  một thanh mã tấu bằng thép, nhưng đã bị han gỉ! Chỉ huy đơn vị vừa giao thanh mã tấu vừa nói: “Mài lại cho sắc; lau chùi bảo quản thường xuyên; để han gỉ lại là phạt...”. Tôi nhận thức được, đó là mệnh lệnh của cấp trên. Từ ấy thanh mã tấu thay cho khẩu súng cạc-bin luôn bên tôi như hình với bóng. Nhưng thanh mã tấu cũng gây cho tôi không ít phiền phức, bởi mài sắc rồi nhưng bảo quản cũng không đơn giản. Tôi phải lùng tìm xin mỡ gà về bôi chống gỉ, mà ngày đó tìm được nhà có mỡ gà để xin đâu có dễ...

Đến năm 1953, tôi được cử đi học, cấp trên mới phát cho khẩu K-59. Sau đó trong đời quân ngũ mặc dù tôi còn được giao giữ, quản lý nhiều loại súng, đạn khác... Nhưng, nếu nói kỷ niệm sâu sắc đời quân ngũ thì tôi lại nhớ nhất khẩu Cạc-bin không có đạn và thanh mã tấu han gỉ của cái thủa ban đầu gian nan ấy!”

Đại tá Nguyễn Quốc Thịnhkể thật tự nhiên, hào hứng và có phần hóm hỉnh làm ông như trẻ lại. Nghe chuyện, tôi càng cảm phục ông và thế hệ của ông.

Vũ Quang Huy (ghi)