Báo tháng 7 - Buổi sáng sớm đầu tháng 2-2021, khi bình minh ló rạng trên mặt biển mênh mông, bến Cảng Quốc tế Vĩnh Tân (do Tập đoàn Thái Bình Dương làm Chủ đầu tư) bằng phẳng, rộng lớn như “thức giấc” sau một đêm dài đón con tàu Da Kang, quốc tịch Hồng Kông, lớn nhất từ trước đến nay vào cập bến này. Bởi tàu vận tải lớn Da Kang có tải trọng lên đến 28.500 tấn (DWT), chiều dài thân tàu 180m trải dài gần như kín mặt nước bến cảng, nên việc tiếp nhận, bốc dỡ vận chuyển những cánh quạt gió khổng lồ được Ban Quản lý cảng tính toán chi tiết, chặt chẽ.

Tàu quốc tế tải trọng lớn cập cảng

Có mặt tại bến cảng, chúng tôi nhận thấy chiếc cần cẩu lớn với sức nâng 80 tấn lần lượt nâng từng cánh quạt điện gió dài ngoằng trên thân tàu rồi đặt vào đúng vị trí của chiếc xe tải dài với hàng chục bánh đang đậu sẵn dưới bến. Các nhân viên mặt đất của cảng và thủy thủ trên tàu Da Kang liên tục liên lạc với nhau qua máy bộ đàm để đảm bảo độ chính xác các khối hàng “siêu trường” tiếp cận xe đầu kéo. Mỗi chiếc cánh quạt hạ cánh an toàn, tài xế mới cho xe chầm chậm lăn bánh ra phía cổng Cảng Vĩnh Tân nằm cạnh quốc lộ 1A, rồi thận trọng ngược ra huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, cung cấp thiết bị cho dự án điện gió đang xây dựng ở đây. Toàn bộ khối lượng linh kiện điện gió khổng lồ này được bốc dỡ vận chuyển an toàn trong một ngày rưỡi. “Qua đó cho thấy Cảng Quốc tế Vĩnh Tân có đầy đủ năng lực và nhân lực để làm hàng. Đồng thời, việc tiếp nhận tàu Da Kang đã tạo tiền đề cho các tàu siêu trường, siêu trọng khác cập cảng trong thời gian tới” - ông Hà Quốc Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Vĩnh Tân tự tin nói với chúng tôi.

Trong thời gian này, Cảng cũng đã thực hiện công tác phòng, chống Covid-19. Khi tiếp nhận tàu nước ngoài, Ban Quản lý yêu cầu các thủy thủ tàu Da Kang ở lại trên tàu; nhân viên vận chuyển thiết bị cánh quạt dưới bến của Công ty TNHH Tagi Logistics (TP. Hồ Chí Minh) đều khai báo y tế, đo thân nhiệt trước khi vào bến.

Ông Hà Quốc Hùng cho biết: “Từ thành công tàu Da Kang cập bến, khoảng 6 tháng đầu năm nay, Cảng sẽ tiếp nhận thêm 2 tàu trọng tải lớn vận chuyển thiết bị điện gió của 2 tập đoàn General Electric (Mỹ), Siemens (Đức) cho 2 dự án điện gió tại Hồng Phong và Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận”. Còn từ khi đi vào hoạt động đến nay, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đã đón nhiều tàu quốc tế chở than cập cảng, kết hợp vận chuyển tro bay cho Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; tàu chở vật liệu thi công điện gió, điện mặt trời ở Bình Thuận, Ninh Thuận; tàu chở cát, đá, xi măng, cọc bê tông ra các huyện đảo phía Nam như Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc... Năm vừa qua, đã có gần 900.000 tấn hàng hóa thông qua cảng. Cảng dự kiến sẽ có hàng triệu tấn hàng hóa thông qua cảng trong năm 2021.

Xúc tiến hình thành trung tâm dịch vụ Logistics

Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đang xúc tiến xây dựng trung tâm dịch vụ logistics ở phía trước cổng cảng, cạnh quốc lộ 1A. Trung tâm hình thành sẽ tạo kết nối vận chuyển hàng hóa trong khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Điều thuận lợi, ba dự án thành phần tuyến đường cao tốc Bắc - Nam qua Bình Thuận - đã khởi công xây dựng vào cuối năm 2020, trong đó đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo khá gần Cảng Vĩnh Tân. Bên cạnh đó, ga Vĩnh Hảo vận chuyển hàng hóa cũng đang được cải tạo, nâng cấp đều dễ kết nối với cảng để vận chuyển hàng hóa. Còn các tuyến quốc lộ (55, 28, 28B, 27, 20, 14) nối Tây Nguyên với đồng bằng ven biển thông qua quốc lộ 1A đều thuận tiện dẫn đến Cảng Vĩnh Tân...

Ông Hà Quốc Hùng cho biết thêm, trước đó ở Đại hội lần thứ IX (nhiệm kỳ 2021 - 2025) Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) tại Hải Phòng, ông đã trình bày tham luận “Đề xuất liên quan đến việc phát triển dịch vụ container” cho Cảng Quốc tế Vĩnh Tân nói riêng và các cảng tổng hợp nhỏ lẻ khác trong nước nói chung. Thông qua đó thể hiện vị thế, tầm nhìn và cả phương hướng phát triển của cảng quốc tế. Trong thời gian không xa, các loại nông sản lợi thế như thanh long, mủ cao su, các loại cây ăn trái khác, hàng hải sản của Bình Thuận; trái nho, hải sản của Ninh Thuận; cà phê, hoa quả của Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk... đều có thể vận chuyển bằng đường biển thông qua Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đến các khu vực trong và ngoài nước...

Hiện tại với quy mô cảng được xây dựng hoàn thành gồm 1 bến 30.000 DWT, 2 bến 50.000 DWT (trong giai đoạn phát triển sẽ thêm bến 100.000 DWT), công suất khai thác Cảng Quốc tế Vĩnh Tân lên tới 8 triệu tấn/năm; đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp của Bình Thuận, Ninh Thuận, các tỉnh lân cận khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Cảng cũng sử dụng phương tiện, kỹ thuật, công nghệ hiện đại để điều hành, quản lý, khai thác. Hệ thống cần cẩu được áp dụng công nghệ điện biến tần, giúp vận chuyển hàng hóa an toàn hiệu quả, nhanh chóng, thân thiện môi trường.

Cảng Quốc tế Vĩnh Tân là cảng nước sâu quy mô lớn do doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đầu tư xây dựng, khai thác; là công trình cảng biển hiện đại, cung cấp các dịch vụ logistics. Đây được xem điểm nhấn trong xúc tiến đầu tư, kết nối vùng miền và cửa ngõ giao thương quốc tế của Bình Thuận.

Thái Khoa