Dư luận vẫn đang tranh luận không ngừng, nhất là trên mạng xã hội về việc bà Đào Hồng Lan - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh vừa được giao làm quyền Bộ trưởng Bộ Y tế theo Quyết định số 839/QĐ-TTg ngày 15-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Có ý kiến bày tỏ sự tin tưởng, rằng với phẩm chất, năng lực của bà Đào Hồng Lan đã được chứng minh qua thực tiễn công tác, bà sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong lúc Ngành Y đang lâm cảnh “dầu sôi, lửa bỏng”. Có ý kiến thì dè dặt, cho rằng, dù bà Đào Hồng Lan rất dũng cảm khi nhận nhiệm vụ, nhưng cả núi khó khăn chồng chất lên đôi vai của “nữ tướng”, không thể nói trước được điều gì đang chờ đợi bà. Cũng có không ít ý kiến cho rằng, nước ta từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay đã trải qua 14 đời Bộ trưởng Y tế, duy nhất có bà Đào Hồng Lan không phải là bác sĩ; không hiểu chuyên môn ở một ngành khoa học đặc thù và nhạy cảm như Ngành Y; bà sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ, vì có khi đến tên thuốc bà còn không hiểu, làm sao có thể ra được các quyết định đúng ?
Những ý kiến tranh luận, những thái độ tin tưởng hay băn khoăn, lo lắng là hoàn toàn tự nhiên, có thể hiểu được. Bản thân bà Đào Hồng Lan khi nhận nhiệm vụ cũng đã xác định, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng với trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên; khi được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, giao phó thì bà nguyện gắng sức làm.
Nhìn ra thế giới, ở nhiều quốc gia phát triển cũng có nước chức Bộ trưởng Y tế do người không có chuyên môn ngành y đảm nhiệm. Hoa Kỳ là một ví dụ. Đương kim Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) Hoa Kỳ - Xavier Becerra cũng không hề có chuyên môn ngành y, ông vốn là Tổng chưởng lý bang California trước khi được Tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử vào chức vụ này. Khi ông chính thức trở thành Bộ trưởng Y tế, dư luận Hoa Kỳ cũng ồn ào tranh luận, rằng với một người có chuyên môn về lĩnh vực tư pháp hình sự, nhập cư và chính sách thuế, đảm nhiệm bộ trưởng y tế liệu có phù hợp? Nhưng rồi, sau gần 2 năm giữ chức, chất lượng y tế và dịch vụ nhân sinh của Hoa Kỳ rất ổn, đặc biệt là khả năng phòng, chống Covid-19. Như vậy có thể thấy, Bộ trưởng Y tế là chức vụ cấp chiến lược, các chính khách có thể làm tốt chức trách nhiệm vụ mà không nhất thiết phải có chuyên môn.
Ở nước ta, vấn đề cán bộ quản lý Ngành Y tế (như giám đốc bệnh viện, thứ trưởng, bộ trưởng y tế) không nhất thiết phải có chuyên môn ngành y đã từng được thảo luận công khai trên diễn đàn Quốc hội và trong Ngành Y.
GS, TSKH Phạm Mạnh Hùng - nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã thẳng thắn trả lời báo chí khi có nhiều lãnh đạo Bộ Y tế phải hầu tòa: “Sai lầm lớn nhất của Ngành Y tế là lấy cán bộ chuyên môn giỏi ra làm cán bộ quản lý. Bản thân tôi được làm Thứ trưởng Bộ Y tế là do thực hiện công tác ghép thận thành công tại Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) trong khi tôi không được đào tạo một ngày nào về công tác quản lý. Giá như, giữ tôi làm cán bộ ghép thận thì tôi chắc sẽ phát triển tốt hơn làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Tôi chẳng biết đấu thầu là gì, không biết đô la là gì. Lúc bấy giờ, tôi chưa được sờ tới đồng đô la vậy mà tôi được phân công làm phụ trách Ngành Tài chính y tế”. Ông còn nêu trường hợp cụ thể: “Để anh Nguyễn Quang Tuấn (GS Nguyễn Quang Tuấn - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), làm chuyên môn có phải hay biết mấy. Anh ấy sẽ cứu được bao nhiêu bệnh nhân mạch vành. Để anh Tuấn làm Giám đốc lại bắt anh ấy đấu thầu và bây giờ vào tù”.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực hành chính công đã chỉ ra rằng, có nhiều lý do để các nước trên thế giới chọn chính khách làm Bộ trưởng Y tế chứ không chọn giáo sư, tiến sĩ y học (GS, TS). Thứ nhất là khi vị GS,TS nào đó làm Bộ trưởng thì chuyên ngành của vị GS,TS đó sẽ được ưu tiên trong Ngành Y; người có chuyên ngành ghép tạng thì ưu tiên ghép tạng, các cơ sở y tế, các viện nghiên cứu cũng sẽ ưu tiên nghiên cứu về ghép tạng vì dễ xin được quyết định đầu tư. Thứ hai, dù không giỏi, nhưng khi đã trở thành bộ trưởng, nhất định vị bộ trưởng đó sẽ được coi là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực của mình, thậm chí được bầu giữ chức vụ đứng đầu hội khoa học của chuyên ngành đó. Thứ ba, sau khi bộ trưởng đó thôi chức, chuyên ngành của ông sẽ mất vị thế, không còn được ưu tiên đầu tư (vì đã được đầu tư quá mức trong nhiệm kỳ trước), dẫn tới sự mất cân bằng trong sự phát triển của Ngành Y nói chung. Vì vậy, một vị bộ trưởng không chuyên môn, sẽ dễ giữ được sự vô tư, khách quan khi đưa ra các quyết định, chính sách.
Tất nhiên, như chính quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan thừa nhận: Một người vừa có chuyên môn, vừa là nhà quản lý, nhà lãnh đạo giỏi thì sẽ tốt hơn. Y tế là một trụ cột của an sinh xã hội, bà Đào Hồng Lan từng phụ trách mảng bảo hiểm xã hội khi công tác ở Bộ ĐTBXH. Đó cũng là điểm mà dư luận ít nói tới và hy vọng đó sẽ là một điểm tựa giúp bà ít nhiều trên cương vị mới.
Thanh Hà