Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực từ 1/1/2010. Theo luật này, cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần trong các trường hợp quy định thì được Nhà nước bồi thường.
Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp nhiều người gây ra thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ liên đới hoàn trả; cơ quan có trách nhiệm bồi thường chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý những người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thống nhất xác định mức hoàn trả cho từng cá nhân có nghĩa vụ hoàn trả.
Về thủ tục, hồ sơ yêu cầu bồi thường, luật quy định kèm theo đơn yêu cầu bồi thường, phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.
Thủ tướng yêu cầu, cán bộ, công chức phải nhận thức rõ trách nhiệm công vụ của mình. Người dân cũng cần nắm rõ về quyền yêu cầu bồi thường cũng như thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường để thực hiện quyền của mình.
Theo đó, lãnh đạo các địa phương phải phân công theo dõi và chịu trách nhiệm thực hiện việc giải quyết yêu cầu bồi thường một cách kịp thời.
Bộ Tư pháp nghiên cứu soạn thảo văn bản hướng dẫn về giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án.
Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí cho việc bồi thường.
Bộ Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm ban hành các văn bản hướng dẫn về xử lý cán bộ, công chức có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại trong thi hành công vụ.

A.Hoàng