Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia và bảo vệ biên giới phía Bắc, ông Lê Mạnh Hải đang sở hữu bộ sưu tập kỷ vật chiến trường thực sự có giá trị lịch sử.

Cựu binh Lê Mạnh Hải nhập ngũ năm 1972, được biên chế vào Sư đoàn 320, tham gia chiến đấu ở mặt trận Kon Tum; Mùa Xuân năm 1975 ông cùng đơn vị tham gia giải phóng Tây Nguyên rồi tiến về Củ Chi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn. Sau đó, tiếp tục chiến đấu ở biên giới Tây Nam và Campuchia rồi chi viện cho chiến trường biên giới phía Bắc. Năm 1982, ông Hải chuyển ngành về công tác tại Sở Công nghiệp Nghệ An, năm 2007 nghỉ hưu. Hiện tại, ông cư trú tại khối 5, phường Lê Lợi (TP. Vinh), là Trưởng Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng bằng – Sư đoàn 320 khu vực Nghệ An – Hà Tĩnh. Trở về với cuộc sống đời thường, ông dành thời gian sưu tầm, tập hợp các kỷ vật của chiến trường. Phòng làm việc trở thành phòng truyền thống trưng bày hàng trăm hiện vật, cũng là nơi sinh hoạt của BLL Sư đoàn 320 khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh.

Đối với ông Lê Mạnh Hải, mỗi kỷ vật là một vật báu, gắn với mỗi cuộc chiến đấu ông được tham gia, mỗi chiến trường ông bước đến. Mỗi khi có khách ghé thăm, thương binh Lê Mạnh Hải thường dành thời gian giới thiệu tỉ mỉ xuất xứ, ý nghĩa của từng hiện vật. Ảnh: Công Kiên

Điểm nhấn của bộ sưu tập kỷ vật là bộ quân trang, quân dụng, các trang bị cá nhân của người lính chiến (gồm khẩu súng mô hình, chiếc ba lô, mũ, thắt lưng, súng, bi đông, ăng gô…). Ảnh: Công Kiên

Bộ sưu tập có chiếc bi đông bị băm nát bởi bom đạn của một người lính đã hy sinh được ông Lê Mạnh Hải sưu tầm ở điểm cao 1015, còn gọi là đồi Sạc Ly ở huyện Sa Thầy (Kon Tum). Ảnh: Công Kiên

Còn đây là đuôi đạn cối 120 mm - kỷ vật này được chủ nhân sưu tầm ở cao điểm 1049, còn gọi đồi Đen Ta thuộc huyện Sa Thầy (Kon Tum). Ảnh: Công Kiên

Bộ sưu tập của ông Lê Mạnh Hải còn có chiếc máy vô tuyến điện, là phương tiện đảm bảo thông tin thông suốt giữa chỉ huy và các đơn vị chiến đấu; chiếc ra-đi-ô được cán bộ, chiến sỹ dùng để nắm bắt thông tin tình hình diễn biến chiến sự của hai miền và thông tin từ hậu phương, còn có cả trang phục, nhạc cụ, công cụ sản xuất của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Công Kiên

Đặc biệt, bộ sưu tập kỷ vật chiến trường còn có lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ảnh: Công Kiên

“Những khi công việc áp lực hay nhớ thương đồng đội, tôi lại ngắm những kỷ vật để được trở về với những năm tháng tuổi trẻ oanh liệt, hào hùng. Ở đó, có gian khổ, hiểm nguy và niềm vinh quang chiến thắng, có nghĩa tình đồng đội bền sâu…” – ông Hải tâm sự. Ảnh: Công Kiên

Công Kiên