Theo chân anh Lương Sơn Trường, Phó bí thư bản Bắc Sơn, tôi được đến thăm mô hình phát triển kinh tế của ông Mà. Khu đồi của ông tuy cách bản không xa, thế nhưng phải mất 30 phút lội bộ lên đèo xuống dốc, chúng tôi mới có mặt tại vườn nhà ông. Chúng tôi đến khi ông đang chuẩn bị vào rừng. Ngỏ ý theo ông vào rừng, ông liền đồng ý nhưng vẫn nhắc nhở chúng tôi “đường khó đi lắm, các cháu có đi được không?”.

Đúng là đường khó đi, trèo lên, trèo xuống, chúng tôi mới có thể vào được khu đồi mà nơi có đến hàng ngàn gốc mét (luồng) tươi tốt. Tiếp đó ông dẫn chúng tôi qua khu đồi trồng cây keo. Giữa núi rừng bạt ngàn, đất đồi núi, nhưng nhìn vườn đồi của ông cũng đủ biết ý chí của ông lớn đến nhường nào để gây dựng được cơ nghiệp này.

Ông Mà kể: Năm 1968, khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, là một người con của dân tộc Việt Nam, bản thân ông Mà cũng như nhiều thanh niên trai trẻ khác trong xã không thể ngoài cuộc. Vì vậy cũng năm đó ông rời quê hương vào Nam chiến đấu. Sau gần 10 năm tham gia kháng chiến, đất nước được hoàn toàn thống nhất, ông trở về quê hương. Là một đảng viên, với những thành tích trong quân ngũ cùng sự tín nhiệm của bà con trong thôn, ông được bầu làm bí thư thôn. Sau ba năm công tác, ông đã tìm nhiều cách giúp người dân chăm lo phát triển kinh tế thoát nghèo.

Đến năm 1998, khi Nhà nước có chủ trương khoán rừng cho các hộ gia đình tự quản lí, nhà ông được giao 18 ha đất rừng. Nhận 18 ha đất trong tay ông không hề có đồng vốn, kinh tế gia đình lại vô cùng khó khăn, trong khi 5 người con của ông một ngày lớn. Ban đầu ông cùng gia đình nuôi bò, trồng thêm ngô và vỡ ruộng hoang để cấy thêm cây lúa, chỗ nào có khe suối đi qua, ông đào đất làm ao nuôi cá. Sau nhiều năm, kinh tế gia đình đã phát triển khá, ông bán bò, ngô, cá… để đầu tư tiếp diện tích còn lại. Ông mua thêm gần 1.000 gốc mét, hơn 100 gốc măng bát độ và keo… dần dần, mô hình của ông ngày một đi vào ổn định, khi những cây đó cho thu hoạch.

Vì là xã nghèo, diện tích đất nông nghiệp lại ít, chủ yếu là rừng núi. Nhận thấy điều kiện bà con còn khó khăn, trong khi đó đất rừng lại bạt ngàn, năm 2008, để diện tích đất đồi núi đó trở thành đất “đất vàng”, Nhà nước đã hỗ trợ bà con thêm giống cây, phân bón. Lúc đó gia đình ông cũng được hỗ trợ 100 cây măng bát độ, 3.000 cây keo lai, 1.500 gốc mét cộng với phân bón. Nhận sự ủng hộ của Nhà nước cùng với kĩ thuật chăm sóc và vay vốn, ông mua thêm con giống. Hiện tại vườn đồi nhà ông đã được phủ xanh, với hàng ngàn gốc mét, gần vạn cây keo… xanh tốt. Sản phẩm ông làm ra có thương lái đến tận nơi mua. Không những thế, tận dụng đất đồi núi, gia đình ông còn nuôi thêm được một đàn bò 20 con và 2 con trâu. Tính thu nhập trung bình mỗi năm gia đình ông thu về gần 300 triệu đồng trừ chi phí sản xuất.

Ông Mà cho biết: Thời gian đầu, để triển khai mô hình này thật không dễ, trong khi đó, vốn liếng không có, con giống cũng không. Nhưng rồi, ý chí cũng như nghị lực vốn có của một người lính, không ngại khổ, không ngại khó, 7 thành viên trong gia đình ông cặm cụi ngày đêm khai hoang, vỡ ruộng trên 18 ha đất đó. Đền đáp tấm lòng, sự quyết tâm của ông Mà, 18 ha đất đồi núi cằn cọc đó bây giờ đã trở thành mô hình trang trại không những giúp kinh tế gia đình phát triển ổn định mà còn phát triển xã hội, đồng thời có thể phủ xanh đồi trọc.

Nhận xét về con người đầy nghị lực này, ông La Văn Sơn, Chủ tịch Hội CCB xã Môn Sơn cho biết: “Ông Mà là một người lính trên mặt trận mới, ý chí không khuất phục trước hoàn cảnh của ông khiến người dân nơi đây phải học tập. Những thành tích mà ông gây dựng được đã được xã, huyện nhiều năm liên tục trao giấy khen với danh hiệu là hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi”.

Bài và ảnh: Doanh Chính