Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 362-QĐ/TTg phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 với mục tiêu sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử.  Nhằm sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

Nhìn vào “làng” báo chí nước ta trong những năm gần đây quả thực là “trăm hoa đua nở”. Và phải thành thực nói rằng trong rừng hoa ấy, không ít hoa dại…  

Trách nhiệm chính trị của báo chí có nhiệm vụ tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trực tiếp là cơ quan chức năng và đội ngũ những người làm công tác tư tưởng của Đảng, trong đó có tổ chức Đảng ở các cơ quan báo chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các nhà báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Tuy nhiên sự lãnh đạo báo chí đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của tổ chức Đảng ở các cơ quan báo chí vẫn còn không ít hạn chế bất cập: nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy  đảng và từng đảng viên, nhà báo chưa cao, việc quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng và cấp ủy cấp trên chưa sâu sắc, khả năng phân tích, nắm bắt tình hình thực tiễn chưa kịp thời, toàn diện, nên năng lực lãnh đạo báo chí đấu tranh tư tưởng của một số tổ chức đảng đối với tòa soạn có thời điểm chưa sát và thiết thực; năng lực triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết chưa cao, công tác kiểm tra của cấp ủy chưa thành nền nếp; vai trò tiền phong gương mẫu, phương pháp tác phong công tác của một số cán bộ, đảng viên, phóng viên chưa thực sự tiêu biểu...

Từ khi có mạng xã hội, tốc độ thông tin đã nhanh như vũ bão, xa lộ thông tin phát triển ở mức không còn biên giới. Có người cho rằng, đây là thời điểm mà nếu ngồi yên với tư duy ứ đọng thì các chính trị gia sẽ bị mất định hướng, các nhà báo sẽ mất bạn đọc, các nhà kinh doanh sẽ bị mất thị trường và thậm chí cha cố cũng sẽ mất hết con chiên.

Vì thế, muốn lãnh đạo đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có hiệu quả, tổ chức đảng ở các cơ quan báo chí phải tiến hành đồng bộ rất nhiều giải pháp; nhưng giải pháp then chốt nhất là tăng cường xây dựng tổ chức Đảng của tòa soạn trở thực sự trong sạch, vững mạnh. Trong các giải pháp về xây dựng tổ chức Đảng ở các tòa soạn thì giải pháp đổi mới giáo dục lý luận chính trị, nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, phóng viên là giải pháp có tầm quan trọng hàng đầu.

Vì sao như vậy? Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp”; “Không có lý luận chính trị thì chí khí kém cương quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”.  Nói một cách đơn giản nhất, nếu không nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ phóng viên thì chính cơ quan báo chí đó sẽ mất phương hướng chính trị, mà từ mất phương hướng chính trị đến suy thoái tư tưởng chính trị, ‘tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước), trong bài phát biểu tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nhấn mạnh: “Tình trạng lười học tập hoặc học qua loa, đại khái, học đối phó, học cốt để lấy bằng còn xảy ra phổ biến”. Từ tình trạng chung này của Đảng, có thể thẳng thắn nhận thấy đó cũng là thực tế đang diễn ra ở các cơ quan báo chí.

Thực tế lâu nay ai cũng nhận ra là công tác giáo dục lý luận chính trị, phổ biến nghị quyết của tổ chức Đảng ở các cơ quan báo chí chưa hấp dẫn người học, người nghe. Cán bộ, đảng viên, phóng viên, có cả những nhà báo tên tuổi không tha thiết, say sưa nghiên cứu, học tập để nắm vững nền tảng tư tưởng của Đảng; thậm chí có người coi đó là những kiến thức “khô, khó, khổ”. Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi sự đổi mới đồng bộ từ nhiều phía, nhưng trước hết thuộc về cấp ủy, cấp ủy viên phụ trách công tác tuyên giáo trong các tổ chức Đảng ở cơ quan báo chí với nghĩa vụ và trách nhiệm của một chủ thể giáo dục. Đổi mới công tác giáo dục chính trị ở các cơ quan báo chí hiện nay, trước hết phải đổi mới phương pháp quán triệt nghị quyết.

Báo cáo viên khi báo cáo, quán triệt nghị quyết đích thực là người chiến sĩ của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Yêu cầu đặt ra với họ rất cao, không chỉ là trí tuệ khoa học mà còn phải biết tuyên truyền, vận động, thuyết phục, cảm hóa cán bộ, đảng viên, phóng viên (một đối tượng học viên rất đặc thù, đặc biệt, cá tính và “khó tính”); không chỉ phổ biến tri thức mà phải xây dựng tình cảm, niềm tin cho người làm báo vào Đảng.

Khác với các bộ môn khoa học khác, giáo dục chính trị lấy niềm tin là mục đích cao nhất của toàn bộ hoạt động giáo dục. Niềm tin ở đây là niềm tin khoa học, chứ tuyệt nhiên không phải thứ niềm tin chủ quan, phiến diện, thiếu vững chắc. Vì lẽ đó, người giảng viên, báo cáo viên hiện nay đứng trước những thử thách to lớn khi làm nhiệm vụ trên mặt trận giáo dục chính trị-tư tưởng, họ chỉ có thể thu phục người học bằng niềm tin vững chắc không thể chuyển lay, bằng sức mạnh của luận cứ khoa học và căn cứ thực tiễn sinh động chứ không thể áp đặt bằng cách truyền thụ kiến thức một chiều, gò ép khiên cưỡng trong giảng dạy, tuyên truyền.

Đúng như cố Nhà báo Hữu Thọ từng nói: “Nghề của ta là nghề đi thuyết phục, không phải nghề răn dạy hay ra lệnh”. Do đó, đổi mới công tác giáo dục chính trị ở các cơ quan báo chí hiện nay trước hết phải nâng trình độ cấp ủy viên ở các cơ quan báo chí lên tầm cao mới.

Thế giới ngày nay đang vận động và biến đổi khó lường, tư duy lý luận của Đảng cũng được bổ sung và phát triển không ngừng cùng thực tiễn khách quan. Do đó, người giảng viên, báo cáo viên ở các cơ quan báo chí cần thường xuyên tự học, tự cập nhật những tư duy, quan điểm mới của Đảng. Hiện nay, không một lớp tập huấn hay chương trình đào tạo cơ hữu nào có thể theo kịp thực tiễn, theo kịp những biến động của tình hình thế giới cũng như trong nước. Ngược lại, mọi biến động của thời cuộc dù khó lường đến đâu cũng không đi trật những quy luật vận động của tự nhiên và xã hội.

Nắm vững thế giới quan và phương pháp luận Mác-xít, biết tự học và tự cập nhật tình hình thời sự, người giảng viên, báo cáo viên sẽ luôn biết điều chỉnh nội dung bài giảng nhằm lý giải những vấn đề sinh động của thực tiễn. Đặc biệt, phải nâng cao tính phê phán của bài giảng chính trị, chủ động và tích cực đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, luận điệu phản động, chống phá Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong mỗi bài giảng.

Trong bối cảnh trình độ dân trí nước ta ngày càng cao, người làm báo lại là những người thạo tin, thông minh và trí tuệ, có khả năng tiếp cận thông tin nhiều chiều, đòi hỏi giảng viên, báo cáo viên chính trị phải dứt khoát thoát ly phương pháp giáo dục áp đặt, truyền thụ một chiều; thực sự là chuyên gia lý luận có phương pháp giáo dục sáng tạo, phù hợp với đối tượng người học là người làm báo.

Để không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị của người làm báo đòi hỏi nhiều giải pháp, cách làm, nhưng trên hết, trước hết người làm báo phải tự chữa cho mình “bệnh” lười học.

Nguyễn Hồng