Chuyện kể rằng, nhà văn Vũ Bão (1931-2006) khi lần đầu xuất bản tập truyện ngắn “Làm giời” năm 1956 được nhà xuất bản thông báo đến lĩnh nhuận bút. Ông cảm thấy rất xấu hổ về điều đó.

Nhà xuất bản năm lần bảy lượt gửi giấy thông báo ông đến nhận nhuận bút. Cứ mỗi lần cầm tờ giấy thông báo, mặt ông lại đỏ bừng, không muốn cho ai biết. Ông xấu hổ vì suy nghĩ rằng, mình cầm bút viết văn là thực hiện sứ mệnh của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, viết vì lý tưởng cao đẹp của cuộc sống. Lĩnh nhuận bút khác nào mình là người bán chữ lấy tiền, một hành vi rất tầm thường...

Bây giờ, thời kinh tế thị trường, nhìn vào sự xấu hổ của nhà văn Vũ Bão, chúng ta thấy đó là sự xấu hổ... đáng yêu. Bản thân người viết thuộc thế hệ 7X, cũng có kỷ niệm khó quên khi lần đầu trở thành cây bút chuyên nghiệp. Đầu những năm 2000, từ đơn vị về tòa soạn công tác, được chỉ huy phòng phân công đi dự hội nghị tổng kết ở một đơn vị. Trong bản báo cáo thành tích mà đơn vị gửi có đính kèm một cái phong bì. Giữa chỗ đông người, trả lại đơn vị không được, tôi đành đem về ngập ngừng... nộp cho chỉ huy phòng. Người chỉ huy bật cười, mở ra thấy 50.000 đồng, bèn giúi vào túi tôi và giải thích: “Đây là tiêu chuẩn hội nghị, một suất cơm bụi thôi mà, chú đi dự nên nó là của chú”. Tôi cầm tờ 50.000 đồng về chỗ làm việc, lòng vẫn bâng khuâng thấy xấu hổ vì việc này có gì đó... sai sai. Vậy nhưng, “gieo hành vi gặt thói quen”, giờ thì đi hội nghị, không có phong bì mới là chuyện lạ.

Người xưa nói rằng, con người khác con vật ở tính người. Tính người đó là lòng trắc ẩn (biết thương người), lòng từ nhượng (biết nhường người trên), lòng thị phi (biết phải trái) và lòng tu ố (biết xấu hổ, biết ghét điều xấu). Lòng tu ố là biểu hiện tính người, biết cắn rứt lương tâm trước những việc làm không hợp đạo lý, biết tự trọng trước những danh lợi không đúng với bản thân mình.

Kể lại chuyện, một cũ, một mới về sự xấu hổ để thấy rằng, mặt trái của kinh tế thị trường đã ăn sâu, bén rễ, tạo thành thói quen nguy hiểm với chúng ta đến mức nào. Công dân bình thường, bây giờ đến cửa quan đưa phong bì cho được việc đã không còn cảm thấy xấu hổ. Một công chức cấp phường, xã, thản nhiên nhận 200.000 đồng của người dân khi đóng dấu chứng sinh, chứng tử mà không hề mảy may xấu hổ. Giáo viên nhận phong bì của học sinh để nâng điểm; công an nhận phong bì của người vi phạm pháp luật; bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân... đã trở thành “chuyện bình thường như cân đường hộp sữa”.

Đáng lo hơn là đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người đứng đầu dường như không còn biết xấu hổ. Vụ việc vi phạm pháp luật tày đình xảy ra ngay trong cơ quan mình, khi được hỏi thì nói “chưa được báo cáo”. Bản thân tham nhũng nhưng chưa bị bắt vẫn lên lớp rao giảng đạo đức như thường. Con cái được nâng đỡ nhưng khi hỏi đến thì phủi tay như không, “tôi không chỉ đạo việc này”... Lòng tu ố đã trở thành một thứ của hiếm trong đội ngũ cán bộ, công chức, đến mức người ta đang đặt ra vấn đề phải bảo tồn!

Rất may, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng 2018. Nghị định gồm 11 chương, 89 điều, có hiệu lực từ ngày 15-8-2019. Nghị định quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình” (Điều 25), và “Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng” (Điều 26)...

Quy định chặt chẽ việc nhận quà của đội ngũ cán bộ, công chức chính là một giải pháp bảo tồn, phát huy lòng tu ố. Lâu nay, chúng ta vẫn bàn nhiều về kẽ hở của pháp luật dẫn đến không chế định được những hành vi thiên về tình cảm, thì nay, với Nghị định số 59, đã có thể hy vọng vào quy định nghiêm ngặt của pháp luật. Vấn đề còn lại là giám sát việc thi hành nghị định này cho thật nghiêm. Mà việc đó, nhất định phải là công việc của toàn dân.

Nguyễn Hồng