Thiếu tướng Trần Minh Đức, sinh năm 1923, nguyên Phó giám đốc Học viện Hậu cần kể: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch Hội đồng cung cấp mặt trận. Hướng vận chuyển chính những vũ khí, đạn dược, trang bị cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm ra phía trước được chia làm ba tuyến. Tuyến 1 từ Thái Nguyên lên Tuần Giáo do đồng chí Đinh Đức Thiện phụ trách; tuyến 2 từ Tuần Giáo đến cây số 61 do đồng chí Vũ Quang Đông đôn đốc; còn tuyến 3 từ cây số 61 tới các đơn vị ngoài mặt trận thì đồng chí Nguyễn Thanh Bình chỉ huy. Lực lượng vận tải cơ giới gồm 16 đại đội với 534 ô tô. Tuyến 1 sử dụng 7 đại đội với 352 ô tô, có thời gian được tăng cường thêm 94 ô tô của các đơn vị pháo phòng không và pháo mặt đất. Cùng với đó là hàng ngàn lái xe, phụ xe có tay lái chắc vượt qua nhiều chặng đường dài, rừng núi hiểm trở, nhiều sông, suối an toàn. Thời gian đầu dự kiến là vận chuyển 434 tấn đạn, sau tăng lên 1.500 tấn, thực tế sử dụng hết 1.200 tấn; gạo đủ cho chiến dịch. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, bộ đội vận tải đêm chở hàng, ngày bảo dưỡng xe, không bị hỏng, bị đổ, bị máy bay địch bắn cháy dọc đường. Tiêu biểu là lái xe Lộc Văn Trọng với chiếc Mô-lô-tô-va trong chiến dịch đã chạy 30.000km an toàn, là lái xe quân đội đầu tiên được tuyên dương Anh hung LLVTND.
Thế rồi còn người gánh bộ và xe đạp thồ cũng là một lực lượng vận tải quan trọng. Tính từ tháng 12-1953, đến hết chiến dịch ta huy động khoảng 26 vạn dân công, gần 21.000 xe đạp thồ cõng trên mình mỗi xe 200-400kg thóc gạo, từ những xóm làng miền xuôi theo những con đường mòn len lỏi khắp núi rừng Tây Bắc lên cung cấp cho Điện Biên. Có khi nhịn đói cả ngày hoặc ăn khoai, ăn sắn tìm được dọc đường chứ nhất định không ăn hạt gạo gửi lên cho chiến dịch. Dân công ngày ấy cứ 3 người vào một tổ để giúp nhau trên đường đi, gánh và xe thồ một đêm có thể đi được 25km; nhưng bị thương hoặc chết bất cứ lúc nào do rắn độc cắn, sốt rét ác tính, hổ vồ, cây đè, ngã suối; mà hi sinh nhiều nhất là do bom đạn của địch. Thương lắm.
Tôi giữ chức Trưởng ban tham mưu của tuyến 3, phải bám đường, bám tuyến vận chuyển để phân bổ hàng hóa đi các nơi. Có ngày ô tô, xe thồ, người gánh bộ lên dồn dập, giao nhận quên ăn, quên ngủ, vừa kiểm đếm, vừa phải sơ tán tránh máy bay địch phát hiện. Có trận bị bom đánh phá, tắc đường, người thương vong, xe đổ, hàng cháy phải cứu chữa, chờ đợi. Từ khi chiến dịch mở màn chiến sự ác liệt, đơn vị không kịp về nhận hàng, Ban tham mưu phải tổ chức người mang hàng ra tận chiến hào, rồi đưa thương binh, tử sĩ ra. Rất nhiều những câu chuyện cảm động về công tác hậu cần như một đại đội khi đánh đồi A1, anh nuôi nắm 120 suất cơm nhưng chỉ có 26 người sống sót trở về, không ai ăn, tổ cấp dưỡng đã gào lên đau đớn. Có đơn vị nấu xong chuyển ra trận địa cho bộ đội, dọc đường bị pháo bắn canh đổ, cơm nát, anh nuôi phải chạy về vội vàng nấu lại. Nhiều đơn vị vừa chiến đấu, vừa tranh thủ cho bộ đội đi đào củ mài để nấu xôi, nấu canh cải thiện bừa ăn. Có chiến sĩ trẻ bị thương ở mông, thấy nữ y tá thì xấu hổ nhất định không cho cởi quần băng bó…
Làm lính hậu cần ngày ấy phải kiên tâm lắm, phải phục tùng sự phân công của tổ chức. Chúng tôi ai cũng muốn được ra chiến hào chiến đấu trực tiếp với quân thù. Nhưng được góp phần vào trận đánh tiêu diệt và bắt sống quân viễn chinh xâm lược lớn nhất, gọn nhất của quân đội ta, dân tộc ta và của phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX thì rất tự hào.
Đức Minh