Gia đình họa sĩ Lê Đình Nghiên nhiều đời sống ở phố Hàng Trống, vẽ tranh Hàng Trống. Từ năm lên 9 tuổi, cụ thân sinh đã truyền lại nghề vẽ tranh cho ông. Giờ đây, ông là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh dân gian này (ảnh). Ông đã dành cho Báo CCB Việt Nam cuộc phỏng vấn đầu xuân.
P.V: Tranh dân gian Hàng Trống đang đứng ở đâu trong lòng “hiện đại”, thưa ông?
Họa sĩ Lê Đình Nghiên: Tranh Hàng Trống vẫn y nguyên những đề tài cũ. Đó là tranh thờ gồm: Hương chủ, Tam đa (Phúc-Lộc-Thọ), chữ Phúc, chữ Thọ, Bà Chúa thượng ngàn, Ông Hoàng cưỡi lốt, Ông Hoàng cưỡi cá, Tứ phủ công đồng, Ngũ Hổ, Bạch Hổ thần tướng… Tranh Hương chủ gồm ba bức, bên chữ Phúc, bên chữ Thọ, ở giữa là long, ly, quy, phượng. Những gia đình trí thức thường thích bộ tranh Nhị bình-hai bức, như chim công múa và cá chép trông trăng. Về cách làm tranh Hàng Trống vẫn thế, chỉ nâng cấp nguyên vật liệu lên, tay nghề làm cẩn thận hơn, tôn trọng người chơi tranh hơn, biến nó thành một tác phẩm dân gian thực sự (dù bản thân nó vẫn là tác phẩm dân gian).
Cái “hiện đại” cơ bản nhất của tranh Hàng Trống bây giờ là sử dụng nhiều màu mới như màu nước hay màu khoáng xưa cũng được làm công nghiệp nén thành viên, thành thỏi như mực Nho. Tuy nhiên, những người cầu kỳ đặt làm màu khoáng thì tôi vẫn làm.
Đáng buồn, ngay giữa lòng Thủ đô vẫn còn không ít người không biết từ bao đời nay người Hà Nội có một dòng tranh dân gian riêng của mình. Có người còn nhầm lẫn giữa tranh Hàng Trống và tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), họ chưa tách bạch được đây là hai dòng tranh dân gian, mang tính văn hoá của hai vùng quê khác nhau.

P.V: Việc tiếp biến những yếu tố hiện đại có khiến tranh Hàng Trống phai lạt chất dân gian, thưa ông?
Họa sĩ Lê Đình Nghiên: Tranh Hàng Trống không đòi hỏi cứ phải màu khoáng, quan trọng là cách thể hiện, cách làm màu, giữ được màu của bức tranh.

PV: So với các dòng tranh dân gian khác, yếu tố khác biệt nhất của tranh Hàng Trống là gì, thưa ông?
Họa sĩ Lê Đình Nghiên: Tranh Hàng Trống nhiều đề tài hơn Đông Hồ, cả tranh treo chơi và tranh thờ. Cách làm tranh Hàng Trống cũng khác, nghệ nhân dân gian chỉ in bản nét rồi phải tô bằng tay hoàn toàn. Tranh đậm nhạt một chút hay do hứng thú của người vẽ, hay kiếm được cái bút tốt tự nhiên vẽ cũng sướng hơn… Trong khi, với tranh Đông Hồ, nghệ nhân sáng tác một bản khắc rồi in thành tranh. Hàng Trống cũng có ván khắc nhưng chỉ có nét đầu tiên, tất cả các công đoạn sau này phải vẽ tay.
Về thị trường, tranh Đông Hồ phục vụ thị trường nông thôn, tranh Hàng Trống xuất xứ ở chốn kinh kỳ đã nhiều trăm năm. Trong nhiều không gian hiện đại, tranh Hàng Trống vẫn có chỗ đứng, nó không bị “ngớ ngẩn”. Kể cả sa-lon Tây treo lên vẫn được, chứ không nhất thiết phải bàn ghế cổ, nhà tranh vách đất. Quan trọng là tâm đắc, cái gì phù hợp với ước nguyện của người ta.
PV: Cũng là một sản phẩm nghệ thuật, tranh Hàng Trống có phải chịu sự cạnh tranh của các loại tranh khác?
Họa sĩ Lê Đình Nghiên: Hiện tại, về thị trường mỹ thuật tranh dân gian, Hà Nội có nhiều dòng tranh ùa vào như tranh khắc gỗ, tranh in lụa, thậm chí in lưới cho nhanh. Tuy nhiên, những người cầu kỳ vẫn tìm tới những bức tranh do gia đình tôi vẽ ra, nên tranh Hàng Trống vẫn tồn tại được, mặc dù tranh Trung Quốc bán rất rẻ. Tại sao tranh Hàng Trống vẫn tồn tại? Đó là vì con mắt “xưa cũ” của những người Hà Nội. Họ tìm đến với tôi chủ yếu do giới thiệu. Giờ không còn cái cảnh đến Tết đem tập tranh ra vỉa hè ngồi bán. Vỉa hè giờ cũng là đất vàng đất bạc rồi, làm sao mình treo được. Xưa trăm hoa đua nở, nhiều nhà làm. Trong các đền, điện, tranh Hàng Trống vẫn có chỗ đứng.

PV: Nếu cứ độc truyền như thế này, ông có lo đến một ngày nào đó nghề làm tranh này sẽ thất truyền?
Họa sĩ Lê Đình Nghiên: Vẽ một bức tranh Hàng Trống là cực kỳ công phu, mất nhiều công sức và thời gian, phải qua nhiều công đoạn, bởi vậy có thật yêu và đam mê mới làm được. Học lâu, khó truyền mà cũng khó kiếm ăn, nhưng tôi vẫn khuyên cháu Hoàn (con trai họa sĩ Lê Đình Nghiên- PV) theo, không thì sau này còn có ai làm nữa. Tôi lo ngại cho dòng tranh này, chẳng lẽ rồi chỉ còn lại trong bảo tàng thôi sao?.

PV: Trong xu thế hiện đại, người ta bắt đầu quay lại với truyền thống. Cơ hội phát triển nghề tranh Hàng Trống là có, thưa ông?
Họa sĩ Lê Đình Nghiên: Khó! Vài chục năm qua, giờ đến con tôi, cũng chỉ là để giữ nghề. Có thể đến lúc nào đó thị trường có nhu cầu thì con tôi tổ chức sản xuất, lôi con em, họ hàng đào tạo.

PV: Xin cảm ơn ông!
Thu Thảo
(thực hiện)