Trong số các ngành dịch vụ ở ta, có lẽ, bán lẻ xăng dầu vẫn là một trong những ngành chậm đổi mới nhất trong phong cách phục vụ.
Ấy là bởi hai lẽ. Thứ nhất là sự độc quyền. Dù xăng dầu hiện không còn là mặt hàng do Nhà nước độc quyền quản lý nhưng cơ cấu thị phần của thị trường này chỉ nằm trong tay một số rất ít doanh nghiệp. Thậm chí, có doanh nghiệp nắm tới 49% thị phần. Nắm trong tay thị phần có khả năng kiểm soát thị trường, chuyện độc quyền xảy ra cũng không lạ.
Thứ hai là do nhu cầu. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của người dân, cũng như nhiều ngành sản xuất. Vì thế, dù có bị “đối xử” như thế nào thì khách hàng vẫn không thể không mua.
Về mặt nguyên tắc thị trường, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, cả về thái độ phục vụ lẫn chất lượng, giá cả hàng hóa. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, khách hàng mua xăng dầu không chỉ phải nhận lấy thái độ phục vụ hờ hững mà còn luôn lo lắng bị “móc túi”.
Đã có rất nhiều vụ cơ quan chức năng phát giác các cây bơm xăng gian lận. Đã có rất nhiều khách hàng “túm cổ” nhân viên bán xăng dầu bắt phải đổ cho đúng số lượng. Và có biết bao nhiêu người, bao nhiêu tiền bị các cây xăng móc túi. Thậm chí, rất gần đây, vừa xảy ra vụ cơ quan chức năng phát hiện tới 2 triệu lít xăng “bẩn” chuẩn bị được tuồn ra thị trường...
Nay, trước sự tham gia thị trường của một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, với một phong cách phục vụ coi “khách hàng là Thượng đế”, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Việt mới giật mình thảng thốt mà nhìn lại.
Nếu tiếp tục bán hàng theo kiểu “truyền thống” thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt tự “nhường sân” cho doanh nghiệp nước ngoài. Lúc đó, đừng trách người tiêu dùng là “không yêu nước”.
Khách hàng chính là nhân tố quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp. Vì thế, nếu không bán hàng với tư duy phục vụ, doanh nghiệp sẽ tự “giết” mình!
Huy Đăng