Các cuộc chiến tranh yêu nước chống giặc ngoại xâm đến từ mọi phương chỉ giành được thắng lợi khi Múa đầu gậy ngọn cờ phất phới, ngóng vân nghê bốn cõi đan hồ/ Mở tiệc quân chén rượu ngọt ngào, khắp tướng sĩ một lòng phụ tử như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dù phải trải qua muôn vàn gian khổ hi sinh trong suốt ba mươi năm nhưng đã toàn thắng. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chiến thắng là sự đoàn kết toàn dân. Mỗi người dân là một con sóng, một ngọn gió góp lại, tạo nên bão táp cách mạng quét phăng lũ xâm lược tàn bạo.
Nếu trên dưới ngăn cách, nghi kỵ lẫn nhau; nếu lòng dân không cùng chung một ý chí đánh giặc thì thử hỏi đất nước có thoát được sự thống trị của giặc ngoại xâm, có giữ gìn được bờ cõi, lãnh thổ ông cha để lại.
Dễ mười lần không dân cũng chịu
Khó trăm lần dân liệu cũng xong.
Sức mạnh của nước, không gì khác, chính là sức mạnh của dân. Dân đoàn kết, đấy chính là sức mạnh của nước. Không phải tới bây giờ chúng ta mới thấm thía điều này, thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã viết:
Phúc chu thủy tín dân do thủy
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên
(Thuyền bị lật mới tin câu nói dân như nước. Cậy đất hiểm cũng khó dựa, mệnh là ở trời).
Hồ Chí Minh trong tư tưởng khoa học và cách mạng của mình luôn luôn đề cao tinh thần đoàn kết dân tộc.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người khẳng định: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. Hạt nhân của lời Tuyên ngôn lịch sử bất hủ đó chính là sự đoàn kết dân tộc. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh thấu hiểu rằng, một dân tộc không đoàn kết, bị chia rẽ là một dân tộc yếu, trước sau sẽ bị dân tộc khác bắt nạt, thống trị. Dân tộc ấy không bao giờ thành công trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Tinh thần đoàn kết là sợi chỉ đỏ trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó đã được Người đúc kết thành châm ngôn hành động cho mình, cho Đảng, cho Dân tộc:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công.
Khái niệm đoàn kết của Hồ Chí Minh nêu ra rất rộng lớn nhưng cũng hết sức sát thực. Trước hết là sự đoàn kết trong Đảng mà Bác từng nhấn mạnh là Đảng cầm quyền. Bởi Đảng cầm quyền nên chủ nghĩa cá nhân sẽ có cơ hội phát triển. Vào ngày thành lập Đảng 3-2-1969, với bút danh TL, Hồ Chí Minh viết bài Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân, có đoạn: Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Bác tỏ rõ thái độ: Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Thế là đã rõ, đoàn kết trong Đảng không có nghĩa là bao che khuyết điểm, lỗi phạm của đồng chí mình; không phát hiện, phanh phui để kỷ luật đúng mức những “con sâu mọt” hại dân, hại nước mà như chúng ta biết hiện nay không còn là bộ phận nhỏ nữa.
Đoàn kết có nghĩa phải làm trong sạch Đảng, nêu gương những đồng chí tốt, những đảng viên thực sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Đoàn kết có nghĩa là kiên quyết đấu tranh với tệ nạn tham nhũng, với sự phai nhạt lý tưởng, sự suy thoái về đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên.
Đoàn kết có nghĩa là phải biết thương dân trọng dân, yêu quý đồng chí, đồng bào một cách trung thực trong sáng.
Đoàn kết giữa Đảng với nhân dân. Đây là mối quan hệ cốt yếu, quyết định sự thành bại của cách mạng từ trước đến nay. Đặc biệt hiện nay, theo tôi, nó quyết định đến sự còn mất của chế độ.
Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý là cơ chế hoạt động của xã hội ta. Sự đoàn kết giữa Đảng với nhân dân trước hết phải dựa trên niềm tin vững chãi như đã từng được xác lập trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ.
Niềm tin vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn của nhân dân ta là yếu tố rất quan trọng dẫn đến thắng lợi của các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Nhân dân tin dưới sự lãnh đạo của Đảng, kháng chiến sẽ thành công, đất nước được độc lập tự do, hòa bình thống nhất, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Niềm tin son sắt ấy là điều có thật, thật như dãy Trường Sơn trùng điệp, thật như Biển Đông mênh mang. Thật như tiếng hát át tiếng bom, thật như câu nói Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn...
Ký ức chiến trận vẫn chưa mờ phai trong lòng nhiều người, nhất là với các cựu chiến binh. Vì thế, chúng ta không lạ gì những ẩn ức, băn khoăn, trăn trở của những người chân chính trước các hiện tượng tiêu cực tràn lan trong xã hội ta hiện nay như tham nhũng, chạy chức chạy quyền; sự tha hóa nhân cách, hành vi sống... Chính những cái đó đã làm cho bức tranh xã hội Việt Nam có những mảng tối mà trách nhiệm trước hết thuộc về cán bộ, đảng viên.
Niềm tin của nhân dân vào Đảng bị giảm sút. Vì thế, như một hệ quả tất yếu, sự đoàn kết giữa Đảng và nhân dân cũng không còn khăng khít như trước nữa. Phải làm sao đây để lấy lại niềm tin, để củng cố sự đoàn kết giữa nhân dân với Đảng. Thiết nghĩ, nếu chúng ta thực hiện đúng lời Bác trong bản Di chúc công bố năm 1969 thì mọi điều sẽ tốt đẹp: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân và Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư...
Lịch sử đã chứng minh, đất nước sẽ suy yếu, tạo thời cơ cho ngoại bang thôn tính khi nội tình lục đục, nạn cát cứ xảy ra, lòng dân không yên. Nhân dân đoàn kết quanh Đảng, Nhà nước là điều kiện tiên quyết để xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thành công. Dân tộc Việt Nam có truyền thống nhân ái Thương người như thể thương thân. Phải làm sao cho truyền thống tốt đẹp ấy vẫn hiển hiện trong cuộc sống thường ngày ở từng thôn bản, khu phố, trong mỗi gia đình. Sự gắn kết cộng đồng rộng rãi và sâu sắc trên nền tảng nhân văn bao giờ cũng là mục đích và động lực của công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, tiến bộ, văn minh.
Trong một thế giới phẳng mang tính toàn cầu hóa nhiều thời cơ và lắm thách thức như hiện nay, bài học đoàn kết không hề cũ. Nó còn nguyên giá trị trong hiện tại và tương lai, không chỉ với dân tộc Việt Nam mà còn với cả nhân loại.
Một nhân loại thấu hiểu nhau, chung sống hòa bình, thân ái là ước mơ lớn nhất của loài người.
Chúng ta đang đi theo hướng đó với sự lựa chọn tốt đẹp: Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên hành tinh xanh này.
Thanh Khê