Từ chiều, những cơn gió bấc mới lại tràn về bổ sung cho đợt rét cũ. Gió từ sông Đuống lướt qua bãi ngô, đưa cái lạnh như dồn cả vào xóm Bến. Chập tối trời lại lất phất mưa, cái lạnh được nhân lên. Mới hơn tám giờ tối nhưng mười bốn gia đình xóm Bến đã đóng kín cửa. Nhà thì xem ti-vi, nhà không có thì lên giường cho ấm. Chẳng ai muốn ló đầu ra khỏi nhà. Không bỏ thói quen, ông Năm vẫn ngồi chăm chú giở từng trang báo Nhân dân. Rời mắt khỏi tờ báo, ông nghiêng tai, vẳng trong tiếng gió rít có tiếng: Cướp, cướp! Ngoài sáu mươi tuổi, tai mắt ông còn thính, còn tinh lắm. Hồi còn ở bộ đội ông từng được mệnh danh là “Năm Ra-đa”. Rút chiếc gậy ngắn ở góc nhà, ông lao nhanh ra cổng rồi hướng thẳng con đường nhỏ dẫn ra phía bến đò.
Kia rồi. Ông năm thấy phía trước lờ mờ có mấy bóng người xô đẩy nhau. Ông căng mắt chạy vượt lên. Bọn cướp đường – ông khẳng định.
- Đứng yên!
Ông Năm quát. Tên dắt chiếc xe đạp đang định lên xe phóng đi vội buông chiếc xe, lao đầu húc thẳng vào bụng ông Năm. Né nhanh sang bên trái, ông đưa chân phải gạt mạnh vào ống chân tên cướp, hắn ngã sõng soài. Tên thứ hai đang cố giằng chiếc túi xách của người con gái. Ông Năm rượt tới, hắn buông cô gái. Lưỡi dao nhọn vung lên hướng vào ông. Chỉ nghe tiếng “vút”, con dao văng khỏi tay hắn, rồi “hự”, hắn đổ uỵch dưới chân ông. Tên bị ông gạt ngã phía trước lồm cồm bò dậy lẩn vào bãi ngô chuồn mất. Cô gái nói không ra hơi. Tên dưới chân ông run rẩy:
-
Bác Năm, tha cho chúng cháu!
-
À, thì ra là thằng Mong hả?
-
Dạ, phải ạ!
-
Giỏi thật! May tao chưa dùng đến cái gậy này. Đứng dậy về nhà; đúng tám giờ sáng mai đến nhà tao trình diện, gọi cả thằng kia nữa.
Thằng Mong bò dậy. Trước khi lủi đi hắn còn van vỉ:
- Cháu xin bác đừng nói với ai bác Năm, đừng cho mẹ cháu biết, bác nhé.
Bây giờ ông mới quay sang chỗ cô gái. Cô vẫn chưa hoàn hồn.
- Nào, có việc gì mà đi tối một mình, có sao không? Về nhà tôi, nhà ở gần xóm gần đê kia kìa.
Nói rồi ông dắt chiếc xe đạp, cô gái theo sát chân ông.
Cô gái có cái tên đẹp là Liên. Liên đang học năm cuối cao đẳng sư phạm tỉnh. Chiều nay thứ bảy, Liên đạp chiếc mini Nhật về quê. Cô bạn ở huyện bên kéo bằng được Liên về nhà dự sinh nhật nên khi về qua sông hơi muộn. Bác lái đò một chút ngần ngại khi đưa cô qua sông. Từ bờ sông lên đến con đê dài hơn cây số, con đường nhỏ nằm giữa bãi ngô rậm rạp, đêm tối, đường vắng, một mình, Liên rờn rợn. Sớm mai cô phải sang Hà Nội, bố cô đang điều trị tại Viện 19-8, cô không thể ở lại nhà bạn. Rồi hai tên cướp chồm đến…
Rõ chuyện, bà Năm tất tả lấy quần áo của con gái bắt Liên thay và đưa cho cô lọ dầu gió xoa chống lạnh. Bà xuống bếp với hai quả trứng gà trong ổ đập vào xoong nấu cho cô gái bát mì.
- Ăn đi cháu. Bác trai đưa cháu về tận nhà cũng được nhưng trời lạnh lắm, còn những bảy tám cây số nữa, nghỉ đây với bác mai về sớm rồi ra thăm bố vẫn kịp. Nhà chỉ có hai bác, các em chúng nó đi vắng cả.
Bấy giờ Liên mới tấm tức khóc.
Giục Liên ăn cho nóng, bà Năm quay sang bảo chồng: Chúng nó đã cướp của, suýt nữa giết người, sao ông lại tha? Lẽ ra ông phải giao cho công an xã mới phải chứ, có phải chuyện nhỏ đâu?
- Tôi đâu có tha. May con bé chưa hề hấn gì. Tôi muốn chúng nó thành người lương thiện kia.
Đúng tám giờ sáng hôm sau, thằng Mong len lét đến nhà ông Năm. Ông rót cốc to nước nóng mới đun chứa trong phích đưa cho nó rồi bảo:
- Anh uống đi rồi tôi nói chuyện với anh.
Thằng Mong phát hoảng:
-
Cháu xin bác. - Rồi nó run run: Thằng Tảng bảo với cháu là sáng nay nó không dám đến. Tối nay nó sẽ ra xin bác. Nó sợ bác.
-
Thế còn anh không sợ tôi à?
-
Dạ! Cháu cũng sợ lắm ạ!
-
…
-
Cháu sợ vì biết bác là bộ đội đặc công, rồi chuyển sang công an lại ở đội săn bắt cướp, bác giỏi võ lắm. Cháu sợ, bác bắt được cháu mà lại không giao cho công an, cháu…
-
Thế còn người khác, những người không có võ thì các anh không biết sợ phải không?
-
Cháu trót dại.
-
Không đúng. Anh đã đi quá xa cái dại rồi. Gần hai năm nay, anh đàn đúm với mấy đứa thanh niên càn quấy. Từ trộm cắp con cá lá rau, đánh bạc rồi trộm gà… Hồi đầu năm, anh làm sạch đàn gà của bà cụ Đoan. Bà cụ là mẹ liệt sĩ già yếu sống có một mình, anh cũng không tha. Đến vụ tối hôm qua thì đã là ăn cướp, suýt thành án mạng rồi. Anh đáng tội gì?
Thằng Mong cúi mặt.
Nhấp ngụm nước xong, ông Năm hạ giọng, nói với thằng Mong như tâm sự với chính mình:
- Mong này, cháu có biết vì sao bác không giao cháu cho công an không? Bác nghĩ cháu chưa hẳn là đồ bỏ đi. Rồi bác sẽ nói cho cháu biết tại sao bố cháu lại đặt tên là Mong trước khi bố cháu mất. Mẹ cháu chỉ có mình cháu. Lẽ ra cháu phải ngoan, biết vâng lời, thương quý và làm lụng đỡ mẹ, thế mà…
Đến gần trưa, thằng Mong mới từ nhà ông Năm trở về. Đoạn đường làng chỉ nửa cây số mà nó thả bước đến gần tiếng đồng hồ. Tối ấy nó lên giường sớm. Thấy con không đi chơi như mọi hôm, mẹ nó tưởng nó mệt nhưng bà cũng không hỏi. Nằm một lúc nó vùng dậy ra góc nhà ngỗi tẽ ngô với mẹ. Nó thủ thỉ:
- Mẹ ạ! Qua đợt rét này con sẽ gột đàn vịt. Làng mình nuôi vịt đàn thuận lắm. Xong con đi học thợ hàn, thời gian học nghề cũng nhanh thôi.
Mẹ nó ngỡ ngàng:
-
Lấy tiền đâu mà mua vịt với ngan. Lại còn học, đối với nhà mình thì khó lắm con ạ.
-
Mẹ đừng lo. Bác Năm ngoài xóm Bến bày cách cho con rồi.
-
Bác Năm ư? Thế mày…
-
Bác Năm cho con vay tiền. Tiền lương hưu và chăn nuôi, bác ấy tiết kiệm được. Bác bảo sẽ hướng dẫn cách nuôi thả vịt, chỉ mấy tháng thôi rồi học lấy cái nghề, xong bác sẽ tìm việc giúp. Bao giờ có, trả lại bác cũng được. Tiền con đã để ở trong hòm quần áo của mẹ ấy.
Nó ho khan như lấy thêm can đảm. Giọng run run, nó kể lại cho mẹ nó nghe cái chuyện tày đình tối hôm qua và buổi sáng hôm nay ở nhà ông Năm…
Bà biến sắc mặt. Hai hàng nước mắt của bà lã chã vừa cay đắng vừa hy vọng.
Ông Năm thì già trẻ cả xã biết tiếng. Chỉ có quân bất lương mới không ưa ông thôi. Chẳng biết ông nói với thằng bé nhà mình những gì mà nó thay đổi nhanh thế. Nếu chuyện vỡ ra thì thằng Mong có làm sao không? Mấy vụ cờ bạc, ăn trộm trước đây dù chưa phải ra tòa bà cũng đã xấu hổ, khổ sở vì con lắm rồi.
Hồi này dân làng Xuân lấy làm lạ, họ không thấy thằng Mong lêu lổng nữa. Cu cậu lúi húi với đàn vịt. Mà đàn vịt của nó trông thích mắt thật. Họ bảo: Như thế có ra dáng thanh niên không nào. Làng Xuân cũng thêm một điều lạ nữa là cả thằng Tảng cũng thấy suốt ngày cày bừa, đồng áng cho bố mẹ, chiều tối ra đầm thả lờ tôm, không thấy nhâng nháo như dạo trước, cứ như là chuyển đời ấy. Một hôm Tảng khoe với thằng Mong: Chính ông Năm cho tao mượn tiền sắm lờ tôm và mua mấy tay lưới đánh cá sông đấy. Tiền kiếm được cũng khá, tao gửi mẹ tao, mai kia mua cái xe máy Tầu cho oách. Nghề của tao bám đến già cũng không sợ thất nghiệp.
Bây giờ thì Lê Gia Mong đã là chàng công nhân làm ở xí nghiệp lắp máy trên thị xã gần năm nay. Còn Trần Đình Tảng không mấy ngày không đảo qua ông Năm một lượt. Thả lờ tôm cũng ở gần nhà ông, đánh cá ngoài sông cũng qua ngõ nhà ông. Thi thoảng Tảng xách cho ông Năm con cá ngon đánh được nhưng ông không chịu nhận. Ép quá ông đành dúi vào túi Tảng ít tiền, coi như ông mua hoặc bắt Tảng khi thì vác chuối mang về chăn lợn, khi thì mớ hoa quả ông hái trong vườn. Hễ Tảng định thưa gửi điều đó thì ông Năm lại gạt đi:
- Các anh lớn rồi, gắng mà làm ăn. Chỉ vẽ!
Nguyễn Thành Hương