Từ cuối năm 1950 và đầu năm 1951 trong lúc toàn dân Việt Nam đang trường kỳ kháng chiến gian khổ, Bác Hồ cùng lực lượng Cảnh vệ không bao giờ ăn ngủ đàng hoàng trong lán được làm bằng cột, kèo, sàn, đòn tay đều bằng gỗ lim phun sơn lộn. Ai cũng muốn Bác Hồ được chăm sóc tốt nhất, nhưng sự giản dị, đó mới là nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lẽ những người làm di tích hôm nay có nhà cao, cửa rộng, cuộc sống phồn hoa nên tự suy luận rằng ngày xưa chắc cũng thế. Phải chăng đó là cách nghĩ chủ quan và đã nhầm về tư tưởng “cả cuộc đời vì nước vì non” của Người.
Ông Đồng Phúc Vả, thường trú tại Tổ 2b, Đồng Sơn, thị trấn Bằng Lũng huyện Chợ Đồn (nguyên là Trưởng ban Kiểm kê di tích lịch sử tại địa bàn huyện, khi ông đang làm Quyền Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn năm 1979 của thế kỷ trước) cho biết, việc xác định được đúng Di tích Bác Hồ ở Nà Pậu là vô cùng khó khăn, vì những năm 1950, nơi đây còn nhiều rừng già rậm rạp lắm, người dân trong vùng rất thưa thớt, chỉ có vài căn nhà sàn loại nhà lán, sàn cao khoảng 1 mét, có 3 bậc thang, loại thang có cây ngang bước chân thường buộc bằng lạt giang (vì không có đinh đóng). Người có công xác định đúng vị trí, mô tả lại hình dáng từng chiếc lán, chiếc hầm trú ẩn là cụ Triệu Hồng Thắng, nhà ở Chợ Chu huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên – (nguyên là Phó Chủ tịch UB kháng chiến Khu tự trị Việt Bắc, nguyên là cảnh vệ vòng ngoài và được Bác Hồ và đội cảnh vệ rất tin tưởng cử đi mua thực phẩm hàng ngày, gọi tắt là tiếp tế quân lương vòng ngoài), cũng là nhân chứng sống về việc tìm ra di tích. Riêng ông Vả, với tư cách là Trưởng Ban kiểm kê di tích huyện Chợ Đồn đã tham khảo nhiều ý kiến, kể cả bút tích của bác Vũ Kỳ nguyên thư ký của cụ cũng gửi thư về Hội thảo có khẳng định rằng về cơ bản là đúng thực tế. Trong hội thảo về Di tích Bác Hồ ở Nà Pậu năm 1979, Cụ Thắng khẳng định rõ ràng rằng: “Lán của Bác Hồ và lán Cảnh vệ ở Nà Pậu đều làm cột gỗ thường, chỉ to bằng cây mai, không đục đẽo cầu kỳ (loại cột ngoằm giống như nhà của đồng bào ở gần đó), lợp lá cọ, vách liếp nứa đan nong đôi, dải cây vầu dày để làm cốt sàn, rồi lát sàn cả phòng làm việc, phòng ngủ đều bằng liếp nứa đang nong đôi, ngoài cửa lán có một chỗ lát cây tre xuống nền đất, để rửa chân hàng ngày, có mấy ống tre đựng nước dựng cạnh đó, cầu thang lên lán chỉ có 3 bậc, phía sườn lán được bố trí 3 chiếc hầm trú ẩn, rộng khoảng 0,8 mét, sâu khoảng 1,5 mét, loại hần cá nhân nên không có nắp đậy, phía dưới bờ ruộng có một hầm lớn, là nơi trú ẩn của Cảnh vệ. Bác Hồ thường ra gốc cây đa có một ngọn, những có đến hai gốc bám vào hai bờ suối để ngồi câu cá và tắm giặt”.
Chính vì thế, ông Vả cho rằng: Việc Sở VHTT&DL đã tự ý làm lệch hồ sơ di tích, ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của Người, với trách nhiệm là Đảng viên, công dân và nguyên là Trưởng ban kiểm kê di tích năm 1979, ông Vả xin mạo muội được đề xuất như sau:
1/ Việc dựng lại chiếc lán của Bác Hồ và Cảnh vệ phải dựa trên thực tế, không đúng như y trang cũng phải tương đối giống, đừng quá xa hoa lãng phí, thế hệ trẻ sẽ hiểu sai về đời sống thường ngày của Người.
2/ Phải sớm tháo bỏ căn lán làm bằng cột, kèo, sàn, ván bằng gỗ lim này càng nhanh càng tốt, vì huyện Chợ Đồn từ trước đến nay không thể làm nhà hay lán bằng gỗ lim.
3/ Việc tôn tạo di tích là nhiệm vụ của Sở VHTT&DL, tuy nhiên cũng nên tham khảo các nhân chứng, lời chứng sống, để di tích cơ bản đúng theo nguyên trạng, có như vậy giá trị lịch sử của Di tích mới được nhân lên, mãi mãi là niềm tự hào của lớp lớp thế hệ con cháu mai sau./.
Ảnh đầu bài: ông Đồng Phúc Vả đang trao đổi về hiện trạng khu di tích
Minh Bạch