Người đã thân ái tặng cho Binh chủng Pháo binh 8 chữ vàng “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” và Bác cũng tặng danh hiệu cho nhiều đơn vị trong binh chủng như “Đoàn pháo binh Tất Thắng”, “Đoàn pháo binh Anh Dũng”... Đặc biệt có những trận đánh của pháo binh không những được Bác gửi thư khen và còn tặng cả thơ. Đó là sau sự kiện vịnh Bắc Bộ, ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ cho máy bay đánh phá miền Bắc nước ta, Bác Hồ ra lời kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Tại chiến trường miền Đông Nam bộ, bộ đội pháo binh lựa chọn sân bay Biên Hòa làm mục tiêu cho trận đánh đáp lời kêu gọi thiêng liêng đó. Sau nhiều ngày chuẩn bị, pháo binh ta đưa được 7 khẩu cối 82 ly, 2 khẩu ĐKZ 75 ly, 2 khẩu pháo 70 ly và 176 viên đạn vào trận địa an toàn. Đêm 30-10-1964 các loại pháo đồng loại bắn cấp tập vào sân bay, phá hủy 59 máy bay, 2 kho đạn, đánh sập 1 đài quan sát, 18 căn nhà, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên Mỹ, hầu hết là sĩ quan, giặc lái và nhân viên kỹ thuật. Được tin chiến thắng này, Bác Hồ liền gửi thư khen và tặng 4 câu thơ: “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu/ Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu/ Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng/ Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu”. Đến đầu năm 1967, do bắn trúng, bắn chìm nhiều tàu chiến, tàu biệt kích và đánh trả hiệu quả pháo binh của địch ở Cồn Tiên, Dốc Miếu (Quảng Trị), lập chiến công xuất sắc. Ngày 13-4-1967, Bác Hồ gửi thư khen ngợi bộ đội Pháo binh có đoạn: “Thân ái gửi cán bộ, chiến sĩ Pháo binh! Bác rất vui lòng thay mặt T.Ư Đảng và Chính phủ, khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ Pháo binh ta. Các đồng chí chớ vì thắng lợi mà chủ quan. Phải ra sức học tập và thi đua với pháo binh Quân giải phóng miền Nam tài giỏi, anh hùng. Phải nêu cao chí khí quyết chiến, quyết thắng, đoàn kết phối hợp với các đơn vị bạn và nhân dân, nắm vững kỹ thuật, chiến thuật, giữ gìn xe tốt, pháo tốt, tiết kiệm đạn dược, đánh giỏi, bắn trúng, lập nhiều chiến công lớn hơn nữa…”.
Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân kể: Năm 2000 với cương vị Tư lệnh Binh chủng Pháo binh, ông được Bộ Quốc phòng giao làm trưởng đoàn công tác sang CHLB Nga yêu cầu bạn cung cấp cho một số phụ tùng, trang thiết bị để mang về sửa chữa, thay thế cho các loại pháo, tên lửa của ta đã xuống cấp. Các bạn Nga đưa ông về thăm một nhà máy và tình cờ được người Tổng giám đốc kể cho nghe câu chuyện: Vào những năm đầu Việt Nam đánh Mỹ, ông còn là kỹ sư, được giao phụ trách tổ kỹ thuật, trong một tháng đã bí mật nghiên cứu và chế tạo loại pháo hỏa tiễn vác vai ĐKB viện trợ cho Việt Nam. Tìm hiểu thông tin, Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân mới biết, để chuẩn bị cho Binh chủng Pháo binh chiến đấu, trong điều kiện đường vận chuyển xa, ác liệt Bác Hồ đã yêu cầu các bạn Liên Xô chế tạo loại pháo gọn nhẹ cho bộ đội vác vai, mà hỏa lực không kém những khẩu pháo lớn có ô tô kéo. Đáp ứng yêu cầu đó, pháo hỏa tiễn ĐKB ra đời tại nhà máy này. Đưa về Việt Nam, ngày 17-4-1966, Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư lại lên xem bộ đội Pháo binh bắn trình diễn pháo hỏa tiễn ĐKB tại trường bắn Hòa Lạc (Sơn Tây) khi đưa vào chiến trường miền Nam.
Tại mặt trận Quảng Đà, nhiều cụ già, chị em phụ nữ mỗi người vác một quả đạn ĐKB nặng 45kg, đi ròng rã suốt ngày đêm, nhịn đói, nhịn khát, có khi bị máy bay địch ném bom gây thương vong nhưng vẫn phấn khởi vì có vũ khí mới, hiệu suất chiến đấu cao. Đêm 23-3-1969, Tiểu đoàn pháo binh 577 tập kích tổng kho An Đồn với 18 viên đạn ĐKB làm cháy nổ 42 nhà kho, 1 kho xăng, phá hủy 5 máy bay trực thăng, 3 xe M113, 3 xe cứu hỏa, giết và làm bị thương 500 tên Mỹ, ngụy. Thế rồi ĐKB được cải tiến nối hai động cơ, lấy tên là ĐB1B, tầm bắn xa 18km. Ngày 2-5-1970, ta bắn thử 5 quả vào sở chỉ huy Lữ đoàn 3 và Lữ đoàn 25 Mỹ đóng ở Trảng Lớn (khu 8) chỉ chệch trung tâm căn cứ 100m. Hỏa tiễn ĐKB đã trở thành loại hỏa lực khiến cho kẻ thù hoảng sợ.
Những chiến công đó khởi nguồn từ tình yêu thương mà chăm lo của Bác dành cho quân đội nói chung và Bộ đội Pháo binh nói riêng thật sâu nặng và mãi mãi là những kỷ niệm thiêng liêng. Đền đáp lại tình yêu thương đó, Bộ đội Pháo binh đã chiến đấu giỏi, công tác tốt, được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND (năm 1976); Huân chương Độc lập hạng nhất và Huân chương Quân công hạng nhất trong thời kỳ đổi mới, xây dựng lực lượng pháo binh ngày càng hùng mạnh, chính quy, hiện đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, xứng đáng với sự tin cậy và thương yêu của Bác.
Tô Kiều Thẩm