Sau khi sự kiện này được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, có một phóng viên phương Tây đã hỏi Bác rằng: “Việt Nam phong tướng theo tiêu chuẩn nào?”. Câu hỏi của phóng viên này có hàm ý rằng, nhiều vị Tướng của Việt Nam được phong đợt đầu, trong đó có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa trải qua trường lớp đào tạo chính quy về quân sự. Hiểu rõ hàm ý của câu hỏi, Bác Hồ đã trả lời giản dị, đại ý: Tiêu chuẩn của chúng tôi là đánh thắng đại tá thì phong đại tá; đánh thắng thiếu tướng, phong thiếu tướng; đánh thắng trung tướng, phong trung tướng; đánh thắng đại tướng, phong đại tướng.
Một câu trả lời ngắn gọn nhưng thật sâu sắc về tiêu chuẩn phong tướng, cũng là sự thể hiện nhất quán quan điểm thực tiễn trong tư tưởng quân sự của Người. Điều khiến báo chí phương Tây nể phục chính là tiêu chí rất ngắn gọn nhưng thể hiện sự hơn hẳn của những vị tướng trong một quân đội non trẻ và trang bị thô sơ, nhưng là một đội quân vô địch về ý chí quyết chiến, quyết thắng.
Ngày nay, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang, trong đó có việc phong, thăng quân hàm cấp tướng vẫn được Đảng, Nhà nước ta kiên định trong khâu tổ chức thực hiện. Lực lượng vũ trang nhân dân của nước ta ngày càng được xây dựng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, trong đó có một số lực lượng đã tiến thẳng lên hiện đại.
Trong đội ngũ của lực lượng vũ trang nhân dân hôm nay bao gồm cả lực lượng công an, một lực lượng có vai trò đặc biệt quan trọng. Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV đang diễn ra, khi thảo luận thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi); Dự án Luật Cảnh sát biển và nhất là Luật Công an nhân dân (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi về đề nghị trần quân hàm cấp thiếu tướng cho giám đốc công an một số tỉnh được công nhận là đơn vị hành chính cấp 1. Dư luận chung cho rằng, thời gian qua, Ngành Công an đã thể hiện tinh thần tiên phong trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (Khóa XII) về sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy. Chính vì vậy, việc xem xét trần quân hàm cho phù hợp với tổ chức, bộ máy sau tinh gọn cũng là cần thiết.
Trong công việc khá khó khăn, phức tạp này, một lần nữa, cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về phong quân hàm cấp tướng, đặc biệt là phải quán triệt quan điểm thực tiễn. Thực tiễn ở đây là yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng; là phẩm chất, năng lực, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ.
Thời gian qua, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận của lực lượng vũ trang nói chung, Công an nhân dân nói riêng, cũng còn không ít những vụ việc do một vài “ông Tướng” gây ra đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của “người làm Tướng”. Chính vì vậy, đã có ý kiến cho rằng, với tinh thần Nghị quyết T.Ư 6 và 7 (Khóa XII), cùng với việc thực hiện trả lương theo chức danh, chức vụ và vị trí làm việc, cần làm chặt chẽ hơn nữa vấn đề phong, thăng quân hàm cấp tướng. Bởi đó là bậc quân hàm gắn liền với hình ảnh của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân anh hùng. Nhân dân ta rất yêu quý lực lượng vũ trang và luôn dành một vị trí trang trọng nhất trong sự yêu quý đó cho các vị tướng, những người tiêu biểu của lực lượng.
Với tinh thần thượng võ, người Việt từ xa xưa đã đề cao tư tưởng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Trần Hưng Đạo, Hồ Nguyên Trừng... những nhà quân sự tài ba trong lịch sử dân tộc đều khẳng định: Binh lính cốt tinh chứ không cốt nhiều. Người lính đã như vậy thì người tướng lại càng phải như vậy. Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc ở thời đại Hồ Chí Minh, do yêu cầu nhiệm vụ mà lực lượng vũ trang đã phát triển mạnh mẽ và từ thực tiễn đó đã xuất hiện rất nhiều vị tướng thực sự xứng đáng với các tiêu chí “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm 70 năm đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên trong LLVTND, thiết nghĩ mỗi cá nhân, tổ chức có liên quan cần tổ chức học tập, quán triệt thật sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, liên hệ cụ thể, rõ ràng vào từng vị trí công tác. Điều này sẽ có tác dụng thiết thực trong việc thảo luận và quyết định đến việc xây dựng trần quân hàm cấp tướng, một vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm hiện nay!
SONG HỒNG