Ông hoạt động ngay trong sào huyệt cơ quan tình báo địch-Phòng Tình hình, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy, là nơi tập trung tất cả mọi tin tức về lĩnh vực an ninh tình báo.
Công tác tại Phòng Tình hình là cơ hội để Ba Quốc tiếp cận các tủ chứa tài liệu tuyệt mật của tên Thiếu tá Trưởng phòng-Nguyễn Văn Giàu. Ông nhớ lại: “Tôi biết là Giàu có thói quen hằng ngày, cứ 7 giờ 30 sáng đến phòng làm việc, 9 giờ 30 đi uống cà phê, 10 giờ 30 trở về nhận tin hay tiếp xúc với các trưởng ban thuộc Sở Giao dịch dân sự, ký các giấy tờ công văn... cho đến hết ngày. Sáng thứ bảy ông ta tiếp cố vấn Mỹ Tom Barret, chiều thứ bảy nghỉ cho đến sáng thứ hai tuần sau..”..
Một buổi sáng, lúc gần đến 9 giờ 30 phút, Ba Quốc cầm một tập hồ sơ lên phòng Nguyễn Văn Giàu. Đến trước cửa ông dừng lại. Biết ý, Giàu hỏi: “Chắc anh cần làm việc riêng với ông Lê Liêm, anh cứ vào bàn giấy của tôi ngồi, tôi đi uống cà phê một lát”.
“Được lời như cởi tấm lòng”, Ba Quốc cảm ơn rồi bước vào, ngồi vào vị trí của Nguyễn Văn Giàu. Đợi Giàu đi ra một hồi lâu, ông mới mở tủ và phát hiện trong đó có một tập hồ sơ có tên “Stay behind in North Vietnam” (tạm dịch là: Các mạng lưới gián điệp được cài cắm lại ở miền Bắc Việt Nam). Đây chính là mục tiêu từ lâu của Ba Quốc.
Ước lượng Nguyễn Văn Giàu đi uống cà phê trong khoảng một tiếng, trong tay không có máy chụp ảnh nên Ba Quốc chỉ còn cách là… chép tay lại, mỗi lần chép một ít, vừa chép vừa nhìn đồng hồ để tính toán giờ giấc cất trả hồ sơ vào tủ. Ông kể: “Từ hôm đó trở đi, cứ mỗi lần nhìn thấy tủ hồ sơ của Nguyễn Văn Giàu hé mở là tôi lại canh đến giờ cà phê của Giàu để mang hồ sơ lên. Lần nào cũng vậy, Giàu lại nhường chỗ cho tôi. Khoảng nửa tháng, tôi chép hết 35 bộ hồ sơ của 35 ổ gián điệp cài ở miền Bắc”.
Trong thời gian chép lại hồ sơ gián điệp, chỉ duy nhất một lần ông Ba Quốc bị một nữ thư ký đánh máy tài liệu mật tên là Nguyễn Thị Lệ bất ngờ bước vào và nhìn thấy ông đứng cạnh tủ tài liệu mật của Nguyễn Văn Giàu, nhưng cô ta không hề tỏ vẻ ngạc nhiên hay có phản ứng. Theo ông Ba Quốc, có lẽ cô nhân viên này đã từng nhìn thấy ông ngồi làm việc tại bàn giấy của Nguyễn Văn Giàu nhiều lần nên cô ta coi việc ông đứng trước tủ hay ngồi ở bàn là chuyện tất nhiên.
Toàn bộ 35 bộ hồ sơ gián điệp ở miền Bắc, Ba Quốc chuyển cho cơ sở gửi về cấp trên. Các nhóm gián điệp này sau đó đã bị ta bắt gọn.
Được địch tin dùng ở vị trí ngày càng cao, Ba Quốc càng có điều kiện tiếp xúc với các nhân vật cao cấp trong chính quyền tay sai ngụy Sài Gòn. Nhờ đó, tin tức khai thác được ngày càng phong phú, không chỉ về an ninh mà cả các kế hoạch quân sự của địch, ý đồ giải quyết chiến tranh của Mỹ… Những tin tức, tài liệu được kịp thời gửi lên trên, giúp ta chỉ đạo đánh địch. Ngoài ra, ông còn khẩn cấp báo tin về những cuộc vây bắt của cảnh sát địch nhằm bắt một số cán bộ của ta hoạt động ở nội thành, giúp cơ quan có trách nhiệm thông báo bảo đảm an toàn cho cán bộ ta, đồng thời làm tốt việc phá hoại nội bộ địch.
24 năm hoạt động trong hàng ngũ địch, ông Ba Quốc đã thu được nhiều tài liệu, tin tức có giá trị của địch cho cách mạng. Trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, ông luôn giữ vững ý chí, phẩm chất đạo đức người cách mạng và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong cuộc đời hoạt động tình báo đặc biệt xuất sắc và bí hiểm của ông, những người thân trong gia đình ông đã chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh.
Để bảo vệ vỏ bọc cho ông hoạt động, có người đã bị chế độ ngụy quyền bắt bớ, tra tấn, đàn áp; vợ con ông ở lại miền Bắc cũng chịu không ít điều tiếng nhưng vẫn thầm lặng chịu đựng để ông yên tâm hoạt động.
Ngày 6-11-1978, Đặng Trần Đức được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Khôi Nguyên