Sau gần 2 năm hoạt động, Trung tâm thành lập Phân xưởng Xây dựng - Thủ công Mỹ nghệ, do thương binh hạng I Nguyễn Văn Chương làm Quản đốc.
Bắt tay vào hoạt động, Phân xưởng nhận thi công, phục dựng nhà thờ họ Lê Cảnh tại xóm 10, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương. Công trình hoàn thành được bà con dòng họ đánh giá rất cao cả về mỹ thuật cũng như các yếu tố thuộc lĩnh vực phong thủy. Hôm khánh thành công trình, dòng họ cử 3 người thuộc 3 thế hệ do ông Lê Cảnh Long trưởng đoàn đến bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biếu quà cám ơn ông Chương.
Giá tri vật chất của món quà không lớn lắm, nhưng nó biểu thị tấm lòng của bà con, của tình người. Từ tiếng thơm này, Phân xưởng liên tiếp nhận được các hợp đồng tôn tạo, tu bổ nhiều công trình khác quanh vùng, như tôn tạo Lăng mộ gia tộc họ Võ ở xóm 10; xây dựng nhà thờ dòng họ Lê Văn ở xóm 9, xã Thanh Long và bài trí nội thất, trang trí tường bao nhà thờ dòng họ Nguyễn Công ở xã Thanh Đồng, xây dựng Nghĩa trang liệt sỹ xã Thanh Long...
Học viên, thợ lành nghề Phân xưởng, ngoài con em CCB, còn có một số con em đồng bào Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đến học nghề và làm việc.
Gặp, nghe Quản đốc Nguyễn Văn Chương 63 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng tâm sự tôi mới biết ông lăn lộn không phải vì để “kiếm bữa trưa, lo bữa chiều”, vì ông là thương binh nặng loại đặc biệt có lương, phụ cấp hằng tháng, các con lại đều học hành đỗ đạt, có việc làm ổn định. Ông lại có mẹ già – cụ Nguyễn Thi Trưng đã gần 90 tuổi hiện đang còn khỏe, minh mẫn và vợ ông - bà Hoàng Thị Hải rất mực đảm đang. Hai người luôn động viên, tạo điều kiện để ông tham gia công tác xã hội với mong muốn để ông sống vui, sống khỏe sống có ích.
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam còn có Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật mang tên Thành Sen ở xóm Mới, xã Thạch Bình, TP. Hà Tĩnh và Làng tình thương Hoa Sữa ở xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Cả hai cơ sở này đều là địa chỉ tin cậy cho con em đồng đội và người khuyết tật địa phương. Hiện đang có hàng trăm người tới đây học nghề, làm việc. Thế là ông khăn gói, mấy đận lên xuống xe, tìm đến 2 Trung tâm tự nguyện dạy nghề cho người khuyết tật.
Tới nơi, ông Chương sửng sốt khi thấy cả mấy chục người với đủ cảnh ngộ: Giao tiếp bằng ngôn ngữ hình thể; làm việc chỉ có thể bằng một tay; đi lại một chân cùng cặp nạng; tính nết luôn cáu bẳn, la lối, nhưng rất chịu khó, ham học và không ít người có bàn tay khéo léo nếu được rèn giũa thì tương lai không kém gì nghệ nhân.
Ông Chương liên tưởng tới một gia đình chỉ có một người khuyết tật, hoặc trái tính khác nết đã là cả một gánh nặng, một sự khổ ải, còn ở đây thì hàng trăm người.
Thu hút tâm trí ông Chương hơn cả là những tác phẩm điêu khắc từ chính những bàn tay của những người khuyết tật. Thôi thì đủ loại, nào là linh vật có rồng chầu, phượng múa; nghê chầu, ngựa phục, tượng người... tất cả đều đa dạng về mẫu mã, đường nét hoa văn uốn lượn khá mềm mại, tinh xảo. Và đặc biệt là rất có hồn. Bên cạnh đó là những sản phẩm phục vụ đời sống dân sinh như các loại bàn ghế giả đá, giả tre, giả gỗ.
Ông Chương được mời nghỉ đêm tại phòng khách của Làng tình thương Hoa Sữa. Sáng hôm sau ông đi rong ruổi khắp ngõ ngách của Làng chăm chú xem sản phẩm của những bàn tay “nghệ nhân” khuyết tật. Nhác qua là ông biết cần phải thay đổi bổ sung chi tiết gì để sản phẩm đạt giá trị thẩm mỹ tối ưu.
Miệng nói, tay làm, ông tận tình hướng dẫn cho mọi người nâng cao tay nghề. Ông yêu thương họ như yêu thương chính mình. Ông mong làm được thêm việc để trả nghĩa đồng đội, để góp phần mang lại hạnh phúc cho những người không gặp may mắn.
Nhớ lại, từ khi rời quân ngũ trở về quê cha đất tổ để sinh cơ lập nghiệp, ông Chương đã cùng các tổ chức, đoàn thể chung vai gánh vác xây dựng địa phương. Rồi những dịp cùng đại diện các Hội Cựu Chiến binh, Phụ nữ, Chữ thập đỏ và Mặt trận Tổ quốc đi thăm hỏi tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn, ông nhận ra rằng, cứu trợ, hay tặng quà cho những người nghèo khó, tật nguyền cũng tốt, nhưng thật không khác gì muối bỏ bể. Đó là chưa nói, vô hình trung còn tạo ra tính ỷ lại “chờ cứu trợ” của họ. Nhất định phải là giúp họ chiếc cần câu và chỉ cho họ cách câu cá. Cổ nhân đã dạy “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
Thế là ông không biết mệt mỏi, mang hết tài năng và trí lực của mình để tận tình hướng dẫn cho người học. Ai giỏi, tự bươn trải được ông động viên cho đi tìm việc làm để tự lập. Ai học chưa được thì ông giữ lại động viên, khuyên bảo, thức đêm, thức hôm giúp đỡ, chỉ bảo, giỗ dành cho làm đến được mới thôi. Hết học viên này, dạy “cuốn chiếu” sang học viên khác. Các cháu quý ông. Không gọi ông là thầy mà gọi là cha.
Với tình đồng đội cao cả, với chính sách nhận văn của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, ông Chương như thấy mình thêm khỏe và vui hơn.
Nhớ lời của một triết gia nào đó đã từng nói đại ý: Muốn làm người tử tế thì phải có nghề. Sống bằng nghề là sống bằng công sức và mồ hôi. Bổng lộc là thứ phù vân nay có mai không, nhưng mồ hôi thì không có giọt cuối cùng, ông Chương liên tưởng đến công việc ông đang làm mà thấy vui. Vui vì nghĩ đến những con em đồng đội và người khuyết tật sẽ có một nghề để mưu sinh.
Trần Đình Hằng