Ngay khi triển khai dự án, tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các huyện Bác Ái thành lập Ban quản lý dự án và cử cán bộ thực hiện “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng nuôi, để hướng dẫn người dân cách chăm sóc cho đến khi bò mẹ sinh bê con lứa đầu, Ban quản lý dự án mang bê con hỗ trợ cho hộ nghèo khác nuôi dưỡng để tạo vốn. Hộ nuôi ban đầu tiếp tục giữ lại bò mẹ và được xem là chủ sở hữu con bò mẹ đó.
Huyện thành lập các tổ tự quản để giám sát việc thực hiện của các hộ tham gia dự án theo đúng quy định, cho nên số lượng đàn bò của dự án ngày càng tăng lên, từ 130 con bò cái sinh sản ban đầu, đến nay Dự án Ngân hàng bò đã phát triển tăng thêm hơn 200 con. Nhiều hộ phát triển đàn bò lên đến 10 con, gây dựng vốn liếng hàng trăm triệu đồng, góp phần vừa ổn định đời sống, vừa có điều kiện đầu tư trồng cỏ để vỗ béo bò, ngày càng sinh lợi nhiều hơn.
Ông Tô Văn Quảng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho chúng tôi biết, từ nay đến năm 2020, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng dự án để hỗ trợ đồng bào nghèo ở các xã miền núi trên địa bàn tỉnh.
Gia đình chị Thảo ở thôn Núi Rây, xã Phước Chính được nhận bò cái sinh sản từ dự án, đến nay đàn bò đã tăng lên 5 con, đời sống được cải thiện, chị có điều kiện để chăm sóc các con tốt hơn.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Thuận Phan Hữu Đức nhận xét, việc giúp đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có chiếc “cần câu” trong những năm qua, cho thấy tỉnh đã mở ra hướng đi đúng đắn và đang tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào biết cách nâng cao hiệu quả trong phát triển chăn nuôi gia súc có sừng ở miền núi.
Hà Văn Hoàn