Sau khi sản phụ Hồ Thị Yên (sinh năm 1978, ở thôn 6, xã Trà Cang) chuyển dạ và sinh tại nhà riêng được bé trai nặng 2,5kg. Chị Yên bị băng huyết và tử vong tại nhà. Gia đình chị Yên và người trong làng có ý định mang bé trai vừa mới ra đời đi chôn sống cùng với chị Yên theo tập tục của người Xê Đăng.
Nhận được tin này, chị Hồ Thị Hiếu (sinh năm 1987, y tá xã Trà Cang) đã gọi điện cho em ruột mình là Hồ Thị Hoàng đến can ngăn, không cho dân làng đem chôn đứa trẻ. Chị Hoàng chạy tới gặp anh Hồ Văn Xếp, chồng sản phụ Yên để khuyên nhủ nhưng anh Xếp một mực không nghe.
Nhiều người dân trong làng biết chuyện nhưng vẫn không ủng hộ chị Hoàng và quyết định đưa bé trai này theo mẹ về... cõi âm. Tuy nhiên, lợi dụng người dân không để ý trong lúc chuẩn bị đám tang, chị Hoàng đã âm thầm bế đứa bé băng rừng, vượt suối để giao cho chị Hiếu chăm sóc.
Ông Trần Xuân Mố - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết: “Việc chôn sống đứa trẻ khiến chúng tôi hết sức bàng hoàng, nhưng không thể can thiệp vào phong tục của người dân. Do vậy, hễ nghe sản phụ nào không may tử vong sau khi sinh con, chúng tôi lập tức tìm già làng thuyết phục, vận động, thậm chí phải cầu cứu để giành mạng sống cho cháu bé. Trường hợp trên, chị Hiếu cũng là người dân tộc Xê Đăng nhưng chị được đi học dưới thành phố, tiếp nhận nhiều cái hay, cái đẹp nên đã góp phần xóa bỏ hủ tục này”.
Ông Nguyễn Thanh Tòng - Phó bí Huyện ủy Nam Trà My cho biết, thực tế ở Nam Trà My và một số huyện miền núi khác vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu cần loại bỏ. Nhiều năm nay, huyện cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho đồng bào dân tộc, cử cán bộ đến tận các thôn bản để tuyên truyền, vận động người dân. Tuy nhiên, việc vận động bà con bỏ những phong tục lạc hậu còn gặp nhiều khó khăn bởi người dân thiếu hiểu biết và những hủ tục này đã in sâu vào tâm trí của họ. Mong rằng, khi đời sống của người dân được cải thiện thì nhận thức của đồng bào cũng dần thay đổi, các hủ tục dần được loại bỏ.
Văn Đỗ