Mới chỉ ba năm trước, khi đến xã Kim Hoà chúng tôi ái ngại vì đường giao thông khó khăn, vậy mà bây giờ đến đây, sự đổi thay càng rõ ràng hơn, nhiều con đường bê tông hoá phẳng lì, đường làng, ngõ xóm được nâng cấp, tu bổ, trường học, trạm y tế đã được xây dựng khang trang. Những ngôi nhà mái tôn, mái ngói không còn là sở hữu riêng của một vài hộ gia đình nơi vùng quê một thời nghèo khó này, mà đã xuất hiện nhiều hơn. Nhiều cánh đồng thâm canh năng suất, chất lượng cao đã quy hoạch và không ngừng mở rộng.
Bằng các nguồn vốn hỗ trợ, xã đã đầu tư gần 77 tỷ đồng để nhân dân phát triển kinh tế đa ngành nghề. Riêng đối với sản xuất nông nghiệp, do hầu hết đất canh tác của người dân nằm tập trung, liền kề, nên theo yêu cầu của nông dân, xã không tổ chức dồn điền đổi thửa, mà cùng với việc nâng cấp, mở rộng hệ thống thủy lợi, mà chỉ đạo các ngành đoàn thể tổ chức, phối hợp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ cây, con giống chất lượng cao, làm đầu mối cho nông dân vay vốn tổ chức sản xuất, xây dựng mô hình. Hiện nay, trong đoàn viên, hội viên các ngành đoàn thể xã đều có các mô hình lúa-màu, lúa-tôm. Toàn xã có 8 tổ hợp tác nông nghiệp, 3 tổ hợp tác lúa hoạt động có hiệu quả. Tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp đến thời điểm hiện nay đạt 85%. Đặc biệt, Kim Hoà đã tổ chức xây dựng cánh đồng mẫu lớn diện tích 330ha nằm trên ấp Giữa, ấp Năng Nơn và ấp Kim Hòa. Trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, đã phát triển 119 cơ sở sản xuất chế biến, trong đó có Làng nghề bánh tét Trà Cuôn nổi tiếng, giá trị sản xuất đạt hơn 18 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, công tác xóa đói giảm nghèo được quan tâm đúng mức, đến nay đã xây dựng được 470 căn nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ 514 đất ở, đất sản xuất và chuyển đổi ngành nghề theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ…
CCB Kim Dương ở ấp Giữa tự hào cho biết: Chỉ với 1,5ha đất nông nghiệp, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng từ mô hình đa canh tổng hợp. Trò chuyện với ông, chúng tôi cảm nhận được nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của nông dân Khơ-me đã được thay đổi cơ bản. Chuyện những hộ nông dân Khơ-me biết tính toán làm ăn không còn là những “tấm gương tiêu biểu”. Trong từng phum sóc, phần lớn nông dân Khơ-me đã vươn lên làm giàu với nhiều mô hình sản xuất căn cơ, bền vững, không còn trông chờ vào các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Những hộ gia đình trồng ớt chỉ thiên, trồng cà tím, dưa chuột, đậu bắp xuất khẩu, nuôi tôm, nuôi bò… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm đã không còn là chuyện hiếm. Còn anh Thạch Chan Đa Ra, ấp Trà Kim tâm sự: “Nhà nước không chỉ lo nhà ở, lo ngành nghề cho bà con nghèo mà Nhà nước còn cho giống, cho muối i-ốt. Ngày trước đường sá đi lại khó khăn, bây giờ đường nhựa đến từng nhà, học sinh thì được hưởng chế độ miễn giảm học phí, con nhà nghèo đi học còn có hỗ trợ hằng tháng. Nước thì dùng nước máy, điện thì sử dụng điện an toàn nên làm sao chúng tôi không thoát nghèo được”.
Trao đổi với CCB Huỳnh Hữu Công, Bí thư Đảng ủy xã Kim Hoà nói: “Từ khi xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân Kim Hòa tiếp tục được nâng lên rõ rệt, 97% số dân được sử dụng điện, 95% được sử dụng nước hợp vệ sinh, 6/6 ấp đều đạt chuẩn ấp văn hóa, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 75%, thu nhập bình quân đần người đạt 17 triệu đồng/năm. Đến nay xã đã thực hiện đạt 13/19 tiêu chí còn 6 tiêu chí đạt từ 40-95%”. Trong năm 2014, cùng với việc quan tâm củng cố, nâng chất các tiêu chí đã đạt, xã sẽ dồn sức hoàn thành đạt 4 tiêu chí: nhà ở, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa và hình thức tổ chức sản xuất. Trong đó, xã Kim Hoà sẽ tập trung triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp-thủy sản, phát triển sản xuất lúa, màu, nuôi nhữ tôm, cá tự nhiên ở những nơi thích hợp. Quá trình thực hiện, xã cũng sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên và quan trọng là tranh thủ sự đồng tình của nhân dân.
Bài và ảnh: Phương Nghi