(Viết về Anh hùng LLVTND Lê Trần Mãn)

Lê Trần Mãn quê xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 3-1979. Sau một khóa huấn luyện sơ cấp quân y, anh về nhận nhiệm vụ tại Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356. Thời gian này, Sư đoàn 356 làm nhiêm vụ ở tuyến biên giới Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Mùa hè năm 1984, chiến sự diễn ra vô cùng nóng bỏng ở tỉnh Hà Giang. Cũng từ đó cho đến đầu năm 1985, Sư đoàn 356 cùng đơn vị bạn chiến đấu liên tục, bảo vệ vững chắc địa bàn được phân công, nhưng cũng chịu nhiều hy sinh, tổn thất.

Trung tuần tháng 1-1985, Đại đội 7 của Lê Trần Mãn được lệnh thay phiên giữ chốt E4 trên điểm cao 685 thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Lực lượng chốt giữ E4 của Đại đội 7 có khoảng 25-27 tay súng, do Đại đội trưởng Nguyễn Tư Hạnh (quê Thanh Chương, Nghệ An), Đại đội phó Đỗ Xuân Tịnh (quê Gia Lâm, Hà Nội) và Chính trị viên phó Thuần chỉ huy.

Ngày 14-1-1985, địch chia làm hai mũi tập kích hai chốt E4 và E5. Trong ngày hôm đó, Đại đội 7 chiến đấu ngoan cường, bẻ gãy 4 đợt tiến công của địch. Ta hy sinh 4, bị thương 6; trong đó có Đại đội trưởng Hạnh bị thương nặng.

Sáng 17-1-1985, địch kết hợp phi pháo và bộ binh tiến công E4. Do lực lượng chiến đấu quá mỏng, Mãn quyết định rời khỏi vị trí cứu thương để trực tiếp chiến đấu cùng 15-16 tay súng còn lại của Đại đội, quyết giữ bằng được điểm cao 685. Do địch dùng hòa lực mạnh, lực lượng Đại đội 7 tổn thất nặng, chỉ còn lại Tiểu đội trưởng Hân, y tá Mãn, xạ thủ B40 Chiến và hai tay súng nữa đã bị thương nhẹ.

Từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều, địch tổ chức 8 đợt tiến công vào chốt E4. Giữ chốt cuối cùng chỉ còn hai tay súng là Mãn và một chiến sĩ vô tuyến điện.

Địch tiếp tục tiến công ồ ạt. Một mình Lê Trần Mãn sử dụng B40, B41 cản bước tiến của địch. Chiến sĩ vô tuyến điện làm nhiệm vụ lắp đạn. Hết đạn B40, B41, Mãn sử dụng AK, rồi lựu đạn. Trận quyết chiến cuối ngày kết thúc thì số xác địch nằm la liệt trước trận địa cũng đến trên 30 tên. Tranh thủ chiến sự tạm lắng, Mãn nói với chiến sĩ vô tuyến điện: "Tình hình sẽ ngặt nghèo hơn, có thể phải đánh giáp lá cà. Đạn hết, chúng ta còn lưỡi lê, báng súng và cả trái tim. Đồng chí gọi trên cho pháo bắn chế áp...". Nghe lời anh, chiến sĩ vô tuyến đánh đi bức mật mã: "Lợn con, bổ sung vài bầy lợn cho E4". Lập tức pháo cối của ta cấp tập vào E4 đúng vào lúc quân địch hô xung phong lên chiếm E4. Phía ngoài công sự, các anh nghe tiếng hô xung phong của địch rất gần.

Được hỏa lực chi viện kịp thời, địch tiếp tục bỏ xác trước chốt E4 . Nhô lên khỏi công sự, Lê Trần Mãn thấy hai tên địch bò tới phía mình. Anh lập tức gương khẩu AK, bóp cò, nhưng súng đã hết đạn! Như một phản xạ tự nhiên, anh tuốt lưỡi lê, nhảy phóc lên khỏi chiến hào, lao thẳng vào tên địch chiến đấu với chúng...

Bầu trời Thanh Thủy, Vị Xuyên lúc đó xám ngoét, mây đen kéo đến, hay là khói đạn chiến trường? Bỗng tạch... tạch... tạch..., một loạt, rồi hai loạt AK từ phía địch vãi tới chỗ Lê Trần Mãn. Anh khựng lại, hai tay vẫn cầm chắc súng ở một tư thế vững vàng, hiên ngang, dũng mãnh...

Lê Trần Mãn, người con của quê hương sông Mã anh hùng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền từng tấc đất thiêng liêng  nơi điểm cao 685 Thanh Thủy, Vị Xuyên. Cùng với máu xương của biết bao đồng đội, dòng máu của người anh hùng đã nhuộm thắm đất anh nằm, để hôm nay trên đất này rợp màu xanh yên bình, no ấm.

Tham gia suốt chiến dịch MB84 của Đoàn Sông Mã (mật danh của Sư đoàn 356) và hy sinh anh dũng, Thượng sĩ quân y Lê Trần Mãn được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 29-8-1985.

Duy Nguyễn