Vào những ngày cuối năm âm lịch Mậu Ngọ, chuẩn bị đón Tết Kỷ Mùi 1979, không khí trong đơn vị chúng tôi nhộn nhịp hẳn lên. Thời tiết năm đó nơi biên giới rét buốt, vật chất có khó khăn, nhưng đơn vị nào cũng  treo cờ Tổ quốc; sắm cây đào, cây mai, trang hoàng rực rỡ, phấn khởi đón đoàn đại biểu nhân dân các dân tộc địa phương đến chúc Tết, vui Xuân cùng bộ đội. Đêm giao thừa năm ấy, các đơn vị lại đón các nam nữ thanh niên, học sinh địa phương vào cùng ca hát nhảy múa, vui xuân.

Sau những ngày đón Tết vui xuân, các đơn vị nhanh chóng bước vào thực các nhiệm vụ mà cấp trên giao cho.

Trận địa phòng ngự của đơn vị tôi (Trung đoàn 12, Sư đoàn 3) đảm nhiệm khu vực phòng ngự chủ yếu của Sư đoàn 3, trong đó khu vực phòng ngự chủ yếu của trung đoàn là từ điểm cao 339 đến Pháo đài Đồng Đăng và dãy Thâm Mô. Cụm phòng ngự chủ yếu này tạo thành thế chân kiềng vững chắc ở phía Tây Nam thị trấn Đồng Đăng. Biết rằng từ thị trấn Đồng Đăng chỉ cách thị xã Lạng Sơn 10km, về phía Nam theo trục quốc lộ 1. Quân Trung Quốc muốn tấn công thị xã Lạng Sơn trước hết phải chiếm được khu vực này mà cụm điểm tựa chủ yếu từ điểm cao 339 - Pháo đài Đồng Đăng - dãy Thâm Mô là trọng điểm.

5 giờ sáng ngày 17-2-1979, trong lúc trời biên giới còn mờ sương, quân Trung Quốc dùng hỏa lực từ xa đánh phá vào hàng loạt vào các cao điểm; trong đó cụm phòng ngự chủ yếu của Trung đoàn là trọng điểm đánh phá của chúng.

Tiếp theo, 2 trung đoàn bộ binh quân Trung Quốc cùng với xe tăng và hỏa lực đi cùng tổ chức tấn công nhiều hướng, nhiều mũi hòng chiếm cho kỳ được cụm điểm tựa này.

Đại đội 61, Tiểu đoàn 6 được tăng cường một trung đội của Đại đội 62, hai khẩu pháo 85mm của Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 68, một Trung đội cao xạ 12 ly 7 của Trung đoàn cùng với hỏa lực của tiểu đoàn, đảm nhiệm hướng phòng ngự chủ yếu của Trung đoàn tại điểm cao 339, án ngữ ba đường 1A đi Hà Nội và đường 1B đi Bắc Sơn - Thái Nguyên.

Cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị nhận thức sâu sắc được nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nhớ lời Thượng tướng Chu Huy Mân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, khi lên thăm căn dặn: “Các đồng chí hãy chắc tay súng sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, dù có phải hy sinh cũng kiên quyết bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, bởi dù đây là núi là đồi, nhưng nhân dân ta đã phải đổ bao xương máu của nhiều thế hệ mới có được, không để cho bất cứ kẻ thù nào xâm phạm đến mảnh đất thiêng liêng này...”.

Nhớ lời căn dặn ấy, các chiến sĩ trên điểm cao 339 đã chiến đấu kiên cường, đánh bại nhiều đợt tấn công của quân Trung Quốc hòng chiếm kỳ được điểm cao này. Suốt ngày 17-2, Pháo đài Đồng Đăng và dãy Thâm Mô do Đại đội 42 và Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 đảm nhiệm cũng quần nhau với cả tiểu đoàn quân Trung Quốc, đánh bại tất cả các đợt tấn công của chúng, bảo vệ vững chắc khu vực phòng ngự.

Ở điểm cao 339, vào lúc 17 giờ có ba chiến sĩ của khẩu đội pháo 85 bị thương, khẩu đội 2 bị hỏng nòng pháo, trong khi đó khẩu đội 1 thì hỏng kim hỏa và bộ khóa nòng. Phát hiện pháo ta im lặng đột ngột, quân Trung Quốc ồ ạt tổ chức tấn công vào các cao điểm phòng ngự của ta. Bốn chiếc xe tăng trên đường số 4 dưới chân điểm cao 300 cũng đang ầm ầm tiến vào. Trước tình huống đó, Chỉ huy Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 68 hạ lệnh cho 2 khẩu đội 85, tháo kim hỏa pháo của khẩu đội 2 sang pháo khẩu đội 1, ngắm bắn trực tiếp  qua nòng pháo. Thế là bằng 3 quả đạn pháo 85 ngắm bắn trực tiếp, chiến sĩ Hoàng Hữu Yên đã bắn cháy 1 xe tăng Trung Quốc trên trục đường số 4. Tiếp đó, khẩu đội của Hoàng Hữu Yên bắn tiếp 18 quả đạn làm tê liệt trận địa pháo 122mm của chúng mới kéo đến lập trận địa tại chân điểm cao 402.

Tại khu vực cánh đồng Song Áng, xã Hồng Phong, quân Trung Quốc dùng một tiểu đoàn tăng cường từ trục đường số 4, vòng qua xã Mỹ Cao theo trục đường mòn chân điểm cao 438 về phía Tây, thực hiện chiến thuật đánh bao vây vu hồi tiến sang cánh đồng Song Ánh xã Hồng Phong. Nắm được mưu đồ thâm độc của đối phương, tại Sở chỉ huy trên cao điểm 438, Trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Khánh và tôi - Đồng Sỹ Tài - Chính ủy trung đoàn bàn thống nhất và quyết định: Sử dụng Đại đội 63, lực lượng dự bị của Tiểu đoàn 6, do cán bộ tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy, cơ động từ chân điểm cao 339 về cánh đồng Song Áng, lấy dãy núi Còn Khoang làm bàn đạp, tổ chức tiến công đánh chặn cánh quân vu hồi của đối phương. Thực hiện mệnh lệnh trên, Đại đội 63 thực hiện chiến thuật “vận động phục kích”. Vào lúc 9 giờ sáng ngày 17-2, quân Trung Quốc đã lọt vào giữa cánh đồng Song Áng trống trải, mũi khóa đuôi luồn rừng (một Trung đội của Đại đội 62) bất ngờ đánh vào bên sườn quân đối phương; Tiểu đoàn 6 dùng đại liên khống chế đường mòn từ Mỹ Cao sang xã Hồng Phong, toàn bộ Đại đội 63 vận động đánh thằng vào đội hình chủ yếu của đối phương khiến chúng bị bất ngờ, rối loạn đội hình, chạy toán loạn vào chân núi Còn Khoang. Lúc này, một trung đội du kích xã Hồng Phong do Trung đội trưởng Trần Văn Trung từ trên núi Còn Khoang đánh xuống phối hợp với lực lượng Tiểu đoàn 6 đánh tan tác cánh quân vu hồi này. Thất bại nặng nề, quân Trung Quốc tháo chạy; ta diệt nhiều tên, thu nhiều vũ khí và đồ quân dụng.

Trận đánh diễn ra trong điều kiện tương quan lực lượng không cân sức. Có những lúc ta một, đối phương bốn, thậm chí ta một chúng năm, nhưng do thế trận bày sẵn, địa hình thông thạo, tinh thần chiến đấu dũng cảm nên ta giành thắng lợi to lớn. Thắng lợi đó đã cổ vũ chiến sĩ ta trên các điểm phòng ngự của Trung đoàn chiến đấu giữ vững trận địa.

Tôi viết bài này để nhớ lại cuộc chiến đấu chống xâm lực ngày 17-2-1979, cách đây đúng 40 năm; đồng thời là một nén tâm nhang tưởng nhớ những chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Thái Bình, tháng 12-2018

Đồng Sỹ Tài (Nguyên Chính ủy Trung đoàn 12, Sư đoàn 3)