Cơ sở hạ tầng giao thông khó đáp ứng được sự phát triển này. Toàn thành phố có khoảng 124 điểm ùn tắc tính đến đầu năm 2009. Liên ngành Sở Giao thông vận tải - Công an thành phố đã nghiên cứu và triển khai các biện pháp tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố như: tạo các đảo giao thông, mở điểm quay đầu hợp lý; xén hè, xén giải phân cách để mở rộng lòng đường; thay đổi một số tuyến đường một chiều....Những biện pháp đó đã đạt được một số thành công.
Theo đó, các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) về trung tâm thành phố và ngược lại chỉ mất 45 phút, giảm 15 phút so với trước đây; tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, đi từ Khách sạn Deawoo đến Khuất Duy Tiến và chiều ngược lại chỉ mất 15 phút giảm được 10 phút (trước là 25 phút); tuyến Lê Văn Lương - Láng Hạ, đi từ Đê La Thành đến Khuất Duy Tiến và chiều ngược lại chỉ mất 20 phút giảm được 10 phút so với trước; tuyến Kim Mã đi từ Cầu Giấy đến Bến xe Kim Mã và chiều ngược lại mất khoảng 16 phút (giảm được 4 phút). Phó giám đốc Sở GTVT Nguyễn Xuân Tân cho biết, đến thời điểm này, TP đã xóa được 66 điểm thường xuyên có nguy cơ ùn tắc giao thông, bên cạnh việc hơn 20 nút giao thông khác đã không phải sử dụng đèn tín hiệu để giải quyết các luồng xung đột giao thông.
Trong cuộc giao ban báo chí do Ban tuyên giáo thành uỷ Hà Nội tổ chức chiều 30/10 vừa qua, Ông Trần Thùy, Phó giám đốc Công an TPHN thông báo, mặc dù TNGT giảm cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng ngay trong Tháng An toàn giao thông (tháng 9/2009), tình hình vi phạm trật tự ATGT tại nội đô là rất lớn. CATP đã phải xử lý tới 93.063 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, với số tiền phạt lên tới 11 tỷ 793 triệu đồng. Cũng đã có tới 4 trường hợp chống lại cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ, thời điểm của các hành động côn đồ trên thường diễn ra từ 16h đến 20h hàng ngày. Đây là một thực trạng rất đáng báo động, cần phải được các cơ quan hữu quan xử lý nghiêm khắc.

Quang Vinh