Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (bên trái) kể chuyện “Đời chiến sĩ” với Đại tá - nhà báo Nguyễn Duy Tường.

Sau mấy tháng huấn luyện ở Xuân Mai (Hà Tây), Tây Hồ (Thọ Xuân, Thanh Hóa), ngày 14-8-1964, tạm biệt miền Bắc, 160 anh em chúng tôi hành quân vào Nam chiến đấu. Xe ô tô đưa chúng tôi vào Vinh. Còn từ đó trở vào là hành quân bộ. Theo đường chiến lược 15, chúng tôi đi qua  Hà Tĩnh, Quảng Bình. Từ Vĩnh Linh trở vào hành quân theo tuyến giao liên Đông Trường Sơn của Đoàn 559. Thời gian này, Đoàn 559 đã “lật cánh” sang tổ chức vận chuyển ở Tây Trường Sơn. Tuyến giao liên Đông Trường Sơn vẫn chỉ là những lối mòn nhỏ nhoi, luồn lách giữa đại ngàn; khi vượt núi cao chất ngất, vách đá cheo leo; khi luôn qua hang sâu, khe cạn...

Mặc dù đã rèn tập dầm mưa dãi nắng, mang nặng đường xa; được quán triệt hành quân vượt Trường Sơn là cực kỳ gian khổ; nhưng “trăm nghe không bằng một thấy”. Có vào đây mới hiểu được những thử thách khốc liệt của những tháng ngày hành quân vượt Trường Sơn, những ngày “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình”. Một vài ngày đầu tạm ổn. Nhưng càng đi, hai chân càng nặng như đeo đá; có cảm giác như lê chân chứ không phải bước. Còn ba lô cũng như khối đá ngày một đè nặng trên lưng. Những lúc vượt dốc Ba thang, Năm thang... “khối đá” ấy như muốn kéo giật mình xuống...

Khi đó, địch chưa đánh chặn, nên ngoài hành quân xa, đường cheo leo hiểm trở, thì nỗi sợ là cái đói hành hạ chúng tôi. Đói kinh khủng, đói dai dẳng! Cũng vì đói mà sinh bệnh tật, bị sốt rét quật ngã. Sức trai vác nặng, leo núi mà mỗi ngày mỗi anh chỉ được hai nắm cơm như quả cam. Để có sức mà đi, dọc đường chúng tôi tranh thủ hái rau rừng lót dạ. Vớ được rau tàu bay, môn thục... là cố nhét cho chặt bao tử. Gặp được nương sắn, nương ngô của bà con người Thượng cũng dằn lòng “xin” mấy bắp, mấy củ. Biết là vi phạm kỷ luật, nhưng không có mấy bắp ngô, củ sắn đó, không còn sức mà đi.

Lạ nước lạ cái, đói khát, lại bị đủ loại côn trùng độc hại tấn công, nên chỉ dính vài cơn sốt rét ác tính, có anh đã bị quật ngã. Mặc dù ý chí, nghị lực có thừa, nhưng cái đầu không bảo được chân, nên nhiều anh em phải nằm lại trạm giao liên. Đau buồn nhất là chúng tôi bất lực chứng kiến vì sốt rét ác tính mà đồng chí Tải - người Thái Bình đã vĩnh viễn nằm lại trên đường hành quân!

Hôm hành quân đến giáp giới Quảng Ngãi và Phú Yên, chúng tôi bắn được một con trâu rừng. Để dành gạo, Trưởng đoàn Diệm quyết định ăn toàn thịt trâu trong hai ngày. Còn da trâu được làm sạch sẽ, luộc lên, mang theo làm thức ăn cho những ngày sau. Mặc dù một bữa cũng chỉ được mấy miếng thịt thôi, nhưng bốn bữa ăn thịt trâu rừng cũng làm cho mắt sáng ra, đôi chân anh nào anh nấy cứng cáp hơn. Nhớ lại những miếng da trâu ngày ấy, tôi liên tưởng đến cảnh Hồng quân Trung Quốc trong cuộc “Vạn lý trường chinh” vì đói đã lấy áo da, dày da đang đi hầm thành cháo để ăn lấy sức mà đi...

Thêm một cung chặng giao liên, sức lực chúng tôi vơi dần như bòng gạo trên lưng; có khi tưởng như cạn kiệt. Hành quân sang tháng thứ hai, một số anh em độ tuổi 20-25 đã gục ngã, phải nằm lại trạm giao liên. Sang tháng thứ ba thì số anh em trên tuổi 40 cũng không thể đi tiếp. Số trụ lại đi được vào Nam Bộ phần đông trên dưới 30 tuổi.

Tháng thứ ba, chúng tôi hành quân từ khu vực Mã Đà vào Chiến khu Dương Minh Châu - Tây Ninh  (Đông Nam Bộ). Ở chặng này, có lúc tôi cảm thấy mình sẽ bị đói quật ngã. Cuối một ngày hành quân, khi giao liên thông báo còn vài cây số nữa là tới trạm phía trước, cũng là lúc tôi đói vàng mắt. Vẫn bước đi, nhưng trước mắt chỉ thấy hoa cà hoa cải; thấy cả đám đóm đóm bay trong chập choạng hoàng hôn. Nhưng may mắn nhờ anh Diệm - Đoàn trưởng dặn dò từ trước, nên tôi cất dành được một lọ đường chừng vài lạng. Những lúc đói quá, tôi lấy ngón tay thấm nước bọt, chọc vào dính mấy hạt đường rồi cho vào miệng nhấp nháp... để lấy sức đi tiếp. Cảm giác hạt đường tan vào lưỡi khi đó gấp vạn lần giá trị dinh dưỡng của sâm Cao Ly hay sâm Ngọc Linh bây giờ...

Phải gần 5 tháng hành quân, chúng tôi mới tới được cơ quan quân sự Miền ở Chiến khu Dương Minh Châu - giáp biên giới Việt Nam - Campuchia. Xuất phát ở Tây Hồ - Thanh Hóa, cả đoàn 160 anh em; sau 5 tháng hành quân vượt Trường Sơn, vào tới miền Đông Nam Bộ chỉ còn hơn 100. Ngày có mặt ở trạm giao liên gần cơ quan Quân sự Miền, anh nào anh nấy tóc tai, râu ria tua tủa; áo quần tưa tướp; thân hình gây gộc, hốc hác... Duy chỉ có ánh mắt vẫn ngời lên niềm vui của người ra trận.

Sau vài ngày nghỉ ngơi cho lại sức; cắt tóc, cạo râu... để ra đường người đằng mình khỏi nhầm là thổ phỉ - lời mấy anh ở Ban Quân sự Miền, chúng tôi được trạm cho đi chợ Bàu Cỏ. Chợ kháng chiến nơi chiến khu bưng biền tuy nghèo nhưng vui cảnh quân dân. Việc đầu tiên không anh nào quên là mua mấy mớ rau về luộc ăn vã cho đỡ thèm khát. Cái ngọt lành, thơm mát của gắp rau luộc ngày đó cứ đọng mãi, quấn quýt trong tâm tưởng của tôi suốt một đời binh nghiệp; ngon lành hơn mọi thức mâm cao cỗ đầy, sơn hào hải vị sau này!

Đại tướng PHẠM VĂN TRÀ kể - DUY TƯỜNG ghi