Theo Chủ tịch Hội CCB tỉnh Hà Giang - Văn Minh Tiến,
việc triển khai vận động các hội viên cung cấp thông tin tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được tỉnh Hội rất chú trọng, triển khai tới từng chi hội và hội viên, nhưng hiệu quả không cao vì địa hình còn dày đặc bom mìn.
Bà Đặng Thị Phượng - Phó chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, nơi chiến sự kéo dài nhất của tỉnh Hà Giang tâm sự: “Chúng tôi đã đề nghị rà phá làm sạch bom mìn trên địa bàn. Nhưng đề đạt mãi chưa thấy xem xét, chỉ được trả lời là chờ kinh phí trên duyệt”. Mặc dù Hà Giang là 1 trong 8 tỉnh được ưu tiên trong chương trình rà phá bom mìn của Dự án trong chương trình quốc gia 504, tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay mới rà phá bom mìn, vật nổ được 1.192,77ha, diện tích ô nhiễm bom mìn còn lại chưa được đầu tư rà phá còn 84.751ha tập trung chủ yếu trên tuyến biên giới... bao gồm cả Dự án 504 và Chương trình 120. Người ta dự tính nếu tốc độ rà phá như hiện nay thì phải 50 năm mới làm sạch được tuyến biên giới địa bàn tỉnh Hà Giang.
Tìm hiểu sâu về vấn đề này, chúng tôi được Đại tá Nguyễn Sơn Hà - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hà Giang cho biết: “Việc rà phá bom mìn được Bộ CHQS tỉnh rất quan tâm, hằng năm, theo nguồn kinh phí được cấp đều lập kế hoạch rà phá”. Theo điều tra, toàn tỉnh Hà Giang có trên 25.000ha bị ô nhiễm bom mìn nặng, chủ yếu là dọc tuyến biên giới, trong đó có hơn 9100ha là nơi đã từng xảy ra chiến sự ác liệt và kéo dài. Tuy nhiên vì nguồn kinh phí cấp hạn hẹp nên đến nay mới chỉ rà phá được khoảng 500ha. Theo chỉ đạo của Quân khu II, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đã lập đề án rà phá vật cản nổ, với lực lượng chính là tiểu đoàn công binh Quân khu và những vùng trọng điểm tại dọc tuyến biên giới, đặc biệt là tại hai xã Thanh Thủy và Lao Chải, những nơi dự kiến có nhiều hài cốt liệt sĩ còn nằm lại chưa được tìm kiếm, quy tập. Đề án đã trình lên cấp trên đề nghị xét duyệt, cấp kinh phí nhưng đến nay vẫn chưa thấy có triển khai xuống.

Phải rà phá bom, mìn trước
Vấn đề cần thiết cho việc tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ tại Hà Giang hiện giờ chính là cần rà phá bom mìn tập trung tại những vùng có khả năng còn nhiều hài cốt liệt sĩ. Trong lúc chờ đợi đề án cụ thể mà Bộ CHQS tỉnh đã lập được duyệt, nếu có kinh phí từ các Chương trình 504, 120 thì nên chăng không dàn trải mà đưa vào trọng điểm những nơi từng xảy ra chiến sự ác liệt, làm sạch bom mìn trước nhằm tạo điều kiện cho các CCB và nhân dân không chỉ an toàn trong làm ăn mà còn an toàn trong tìm kiếm, cất bóc hài cốt liệt sĩ... Trong chuyến viếng thăm và thắp hương tại Nghĩa trang Vị Xuyên vừa rồi, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cũng lưu ý tỉnh Hà Giang cần lập phương án giải quyết dứt điểm việc rà phá bom mìn và quy tập hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang: “Tỉnh nên tập trung vào những địa điểm có nhiều bộ đội hy sinh, hiện chưa quy tập được hài cốt”.
Đại tá Nguyễn Trọng Đại - Phòng Quy tập, Cục Chính sách, TCCT-BQP cũng cho biết: Thông tư 214/2013/TT-BQP Mục 2, Điều 13, Khoản 1, quy định: Bộ CHQS tỉnh có thể thành lập lực lượng lâm thời tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Trong khi chờ Dự án, có thể sử dụng lực lượng lâm thời để rà phá kết hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Tại Hội nghị trao đổi về công tác vận động, tuyên truyền cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ tại Hà Giang vừa qua, đồng chí Lê Thế Hải - Phó trưởng ban TC-CS T.Ư Hội CCB Việt Nam nhấn mạnh: “Việc làm sạch ô nhiễm bom mìn tại các vùng còn nhiều hài cốt liệt sĩ là vấn đề cấp bách hiện nay, cần được các cấp có thẩm quyền quan tâm đúng mức”.
Sau gần 40 năm, địa hình thay đổi, sự tàn phá của thiên nhiên khiến cho hài cốt liệt sĩ bị mất mát nhiều hơn, càng khó tìm hơn. Các đại biểu dự Hội nghị cũng đề xuất: trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, trước hết cần tập trung một vài điểm cao có diện tích không lớn để rà phá và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Làm theo hình thức “cuốn chiếu”, hết nơi này mới tiếp tục làm đến nơi khác… Đồng chí Lê Thế Hải cũng khẳng định sẽ báo cáo và đề xuất với T.Ư Hội CCB Việt Nam kiến nghị vấn đề này lên Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia 1237 và các cơ quan chức năng có thẩm quyền khẩn trương xem xét đề án rà phá làm sạch bom mìn vùng biên giới phía Bắc trong thời gian tới.
Cần sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng, xã hội và trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền trong việc hỗ trợ, khắc phục hậu quả bom mìn tại vùng cao Hà Giang. Đây không chỉ là thách thức mà còn là trách nhiệm, trọng trách mà chúng ta đã, đang và sẽ phải hoàn thành; không chỉ phát triển kinh tế xã hội mà còn để tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Bài và ảnh: Quang Vinh