Quái vật biển Tasmania, gọi là 'Tasmania Blob" dạt vào bờ biển Tasmania hồi tháng 8/1960. Khi được phát hiện, sinh vật bí ẩn đã chết. Nó khuyết mắt nhưng có miệng, trên mình bao phủ lớp lông cứng màu trắng và đặc biệt to lớn với độ dài 6 m.

Khi đó giới khoa học không thể xác định được cấu trúc xương của con vật nên họ cho rằng, đây có thể là một loài động vật có vú mới. Bức màn bí ẩn bao phủ thủy quái Tasmania 21 năm sau, tức là năm 1981 mới được giải đáp. Với sự hỗ trợ của khoa học kỹ tiên tiến, các nhà khoa học phân tích cấu trúc xương của thủy quái và kết luận, đây là một chú cá voi.

Thủy quái Stronsay phát hiện vào tháng 9/1808. Năm 1808, sau khi cơn bão đổ bộ lên đảo Stronsay thuộc quần đảo Orkney tan, một sinh vật khổng lồ dài ngoằn ngoèo dạt vào bờ.

Hơn 200 năm kể từ khi được phát hiện, lai lịch của sinh vật này vẫn là bí ẩn đối với các nhà khoa học. Về diện mạo, Stronsay có nhiều điểm tương đồng với quái vật hồ Loch Ness với đuôi và cổ rất mảnh và dài, phần thân rộng với 3 cặp chân ngắn. Con quái vật có bờm bao gồm những chiếc lông cứng và nhọn phủ từ cổ cho tới phần lưng dưới.

Stronsay có chiều dài gần 17 m dù khi được phát hiện, một phần đuôi của nó đã bị phân hủy. Khi ấy, với chiều dài như vậy, nhiều người cho rằng, Stronsay là xác của loài con cá mập khổng lồ. Trước đó, con cá mập dài nhất từng được biết đến chỉ dài 12 m. Trong suốt một khoảng thời gian dài, các chuyên gia xã hội lịch sử tự nhiên ở thành phố Edinburgh, Vương quốc Anh tìm mọi cách để xác định lai lịch của Stronsay nhưng bất thành.

Thủy quái Bermuda được phát hiện vào tháng 5/1988. Một ngư dân tên là Ted Tucker tình cờ bắt gặp xác một sinh vật bí ẩn trên bờ biển Bermuda. Sinh vật này được miêu tả là trắng toát với 5 chi. Cũng như nhiều thủy quái nổi tiếng khác, Bermuda không có mắt, miệng hay bất cứ đặc điểm cụ thể nào để nhận dạng. Do đó, nó là một ẩn số cho tới 7 năm sau đó. Nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thủy quái Bermuda chính thức được xác nhận là xác một chú cá heo bị bệnh. Thủy quái Gambo được phát hiện vào tháng 6/1983, bởi cậu bé Owen Burnham, 15 tuổi trên bờ biển Bungalow tại Gambia. Sự kiện này làm xôn xao dư luận khi chưa một ai từng trông thấy một sinh vật nào tương tự Gambo.

Cho đến nay, bí ẩn xung quanh thủy quái này vẫn chưa có lời giải. Lý do là, ngay sau khi bị phát hiện, quái vật biển chuyển tới một ngôi làng gần đó và bị xẻ thịt. Thậm chí, dân làng còn cắt đầu con thủy quái và bán cho một khách du lịch. Không có bất cứ tấm ảnh nào ngoài bản phác thảo vội của cậu bé Owen về Gambo. Do đó, cho đến nay, các nhà khoa học vẫn không biết chắc về lai lịch của con thủy quái.

Thủy quái Augustine được phát hiện vào tháng 11/1896. Thủy quái Augustine làm xôn xao dư luận khi ban đầu người ta cho rằng, nó là một loài mực ống khổng lồ mới bởi có nước da màu hồng xỉn, đặc trưng của loài này. Giả thuyết này tồn tại tới tận 29 năm sau đó.

Tuy nhiên, năm 1925, khi loài mực ống khổng lồ thực sự được phát hiện và được công nhận là một loài mới, người ta mới ngộ ra, thủy quái Augustine là loài khác. Sở dĩ có sự nhầm lẫn vì thủy quái Augustine không chỉ có màu da giống loài mực ống mà còn có các xúc tu. Tổng cộng, Augustine có tới 7 xúc tu dài loằng ngoằng nhưng cân xứng với cơ thể khổng lồ của nó. Tuy nhiên, một vài xúc tu bị đứt và trôi dạt, nằm rải rác trên bờ biển. Trong khi đó, đầu của thủy quái trông giống một con sư tử biển.

Ngày nay, người ta xác nhận được thủy quái Augustine là xác của một con cá voi bị bệnh.

Quái vật Montauk phát hiện vào tháng 7/2008 tại một bãi biển ở New York. Sinh vật này có đầu giống đầu chim nhưng hàm dưới lại có răng. Trong khi đó, thân của Montauk giống loài chó nhưng lại hoàn toàn không có lấy một sợi lông nào.

Đến nay, giới khoa học vẫn chưa giải được bí ẩn về nguồn gốc của Montauk. Theo một số người, Montauk là một con gấu trúc bị mắc bệnh. Điều này giải thích cho việc nó bị rụng lông và mất toàn bộ hàm trên. Tuy nhiên, giả thiết này bị nhiều người phản đối vì cho rằng, chân gấu trúc ngắn hơn rất nhiều so với chân của quái vật Montauk.

Thủy quái ở Newfoundland phát hiện vào tháng 8/2001. Cũng làm xôn xao dư luận khi được phát hiện, nhưng lai lịch thủy quái ở Newfoundland lại nhanh chóng được xác định là một con cá nhà táng khổng lồ, thuộc loài cá voi to lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng lý giải về việc làm thế nào mà cái xác to lớn, nặng nề của con cá nhà táng khổng lồ lại có thể trôi dạt được vào bờ. Họ nói rằng, sau khi cá chết nhiều năm, quá trình thối rửa làm cho phần xương cứng bên trong cơ thể cá nhà táng phân hủy và thấm qua lớp mỡ chảy hết ra ngoài. Các cơ quan nội tạng bên trong cũng bị phân hủy hoàn toàn, để lại các xác rỗng toàn mỡ. Điều này khiến các xác cá có khả năng nổi trên mặt biển và cuối cùng bị sóng đánh trôi dạt vào một bãi biển ở Newfoundland.

Thủy quái ở Chile được phát hiện vào tháng 7/2003 có chiều dài tới 1 2m, nặng 13 tấn. Ban đầu, nhiều nhà sinh vật học xác định đây là một loài bạch tuộc khổng lồ chưa từng được biết đến từ trước tới nay. Điều này khiến dư luận cả thế giới xôn xao. Sau đó, thủy quái được xác định lại là một con cá voi. Tuy nhiên, một số nhà sinh vật học khác vẫn chưa hoàn toàn bị thuyết phục với kết luận trên bởi lúc đầu, thủy quái được suy đoán là loài không xương sống. Thủy quái Trunko được phát hiện vào tháng 10/1924. Đây là thủy quái duy nhất còn sống khi được phát hiện. Theo lời các nhân chứng, vài ngày trước khi bị dạt vào một bờ biển Nam Phi, Trunko đang vật lộn tìm cách thoát thân khỏi 2 con cá hổ kình khổng lồ (cá voi sát thủ). Nó phải dùng đuôi chống lại kẻ thù trong suốt 3 giờ.

Các nhân chứng cũng cho hay, diện mạo của Trunko rất kỳ lạ. Nó có bộ lông màu trắng như tuyết bao phủ phần thân trên (một số người vì điều này cho rằng nó là một con gấu Bắc Cực). Ngoài ra, con thủy quái có đuôi giống loài giáp xác nhưng bị mất đầu, không có cấu trúc xương và thậm chí, không có máu.

Với điều kiện khoa học kỹ thuật thời đó, rất khó để xác định lai lịch của Trunko. Hiện nay, chỉ còn lại 4 bức ảnh chụp thủy quái này và do đó, nó vẫn là bí ẩn với các nhà sinh vật học.

Thủy quái Zuiyo-maru được phát hiện vào tháng 4/1977. Trong chuyến đi biển, đoàn ngư dân Nhật Bản phát hiện xác một sinh vật biển khổng lồ khi nó mắc vào lưới vét cá của họ.

Sinh vật lạ được đặt tên là Zuiyo-maru, theo tên của chiếc tàu đánh cá. Các thủy thủ cho rằng, Zuiyo-maru là một con thằn lằn cổ dài tiền sử được gọi là “Nessie”.

Mặc dù rất phấn khích nhưng các ngư dân đành vứt trả lại cho biển xác con thủy quái bởi lo sợ việc giữ lại Zuiyo-maru sẽ khiến số cá họ bắt được trên thuyền thối rữa. Trước khi vứt xác con vật, họ khôn ngoan chụp ảnh nó đồng thời giữ lại các mẫu xương, thịt, da và mỡ của con vật.

Tất cả điều đó không thể giúp các nhà sinh vật học xác định chính xác lai lịch của Zuiyo-maru. Một số giả thiết cho rằng, đây là xác của một con cá mập khổng lồ.

Quỳnh Anh (TH)