Dược sĩ Lê Thị Bình - Tổng giám đốc Công ty dược phẩm Tâm Bình (bên phải) và các cán bộ nghiên cứu đưa cây dược liệu Việt vào sản xuất.
Mới đây, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Qua 10 năm triển khai, thuốc sản xuất trong nước được sử dụng ngày càng tăng về số lượng, và được đánh giá cao về chất lượng, an toàn, hiệu quả. Người dân đang ngày càng có niềm tin và lựa chọn sử dụng thuốc Việt.
Các số liệu của Bộ Y tế cho thấy, thuốc chữa bệnh do Việt Nam sản xuất ngày càng đa dạng về chủng loại, chất lượng được nâng cao, mẫu mã đẹp và hạ giá thành, đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong nước và bước đầu được xuất khẩu sang một số nước trong khu vực. Theo Bộ Y tế, cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới, 11 nhà máy đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến. Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Có 652 thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh. Việt Nam sản xuất được 12/13 loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng… Sản phẩm thuốc Việt được phân phối trên 40.000 cơ sở bán lẻ rộng khắp cả nước. Hiện Việt Nam đã quy hoạch và bước đầu đưa vào hoạt động sản xuất 8 vùng dược liệu trọng điểm bao gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ với diện tích hàng trăm nghìn héc-ta để lựa chọn và khai thác 54 loài dược liệu thế mạnh của mỗi vùng gồm 36 loài dược liệu bản địa, 18 loài dược liệu nhập nội như hà thủ ô, đảng sâm, ô đầu, xuyên khung, ác-ti-sô, huyền sâm, đỗ trọng, hồi, quế, thanh hao hoa vàng… trồng tập trung quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường; ngoài ra, một số động vật làm thuốc cũng được người dân nuôi như: hươu, kỳ đà, ong, tắc kè, nhím... Phát triển vùng dược liệu, các địa phương trong nước tạo việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn với thu nhập ổn định và quan trọng hơn, đó là tạo ra nguồn dược liệu có kiểm soát và ổn định về hàm lượng dược chất và đảm bảo vệ sinh an toàn dược liệu. Bộ Y tế tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo chất lượng thuốc, như đẩy mạnh công tác tiền kiểm, hậu kiểm đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng để đảm bảo thuốc an toàn, hiệu quả đến tay người dân. Hằng năm các cơ quan chức năng lấy trên dưới 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng… Nhờ vậy, tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng ở Việt Nam trong những năm qua ở mức dưới 2%, thuốc giả dưới 0,1% là mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Bộ Y tế ban hành danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu giá trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu nếu trong nước đã sản xuất được cùng loại.
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước trung bình tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tăng nhanh qua các năm, từ mức 46,62% năm 2013, tăng lên 63,53% năm 2018. Riêng năm 2018, tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước ở tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%. Nhiều bệnh viện tuyến T.Ư đạt tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước cao như Bệnh viện trung ương 71 Thanh Hóa, Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Nội tiết T.Ư... đạt tỷ lệ từ 30,43% đến 52,8% về giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước. Mục tiêu đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đặt ra là đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến T.Ư, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện.
Theo khảo sát của cơ quan chức năng, chi tiêu dành cho thuốc theo đầu người tại Việt Nam năm 2017 khoảng 56USD, dự báo con số này sẽ tăng lên 85USD vào năm 2020 và 163USD trong năm 2025, tạo nên một thị trường rất lớn cho ngành sản xuất thuốc chữa bệnh Việt Nam. Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng trên thực tế, thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh của người dân.
Nguyên nhân chính là do thuốc sản xuất trong nước còn chưa được đầu tư thích đáng để phát triển và ở một góc độ nhất định chưa tạo được lòng tin của người bệnh, trong khi tâm lý sính ngoại còn tồn tại ở khá nhiều người và tiếc thay, việc chỉ định, kê đơn thuốc của các bác sĩ vẫn chủ yếu là thuốc sản xuất ở nước ngoài. Vấn đề nguyên liệu vẫn chủ yếu nhập khẩu không chủ động được giá cũng như chất lượng và sự ổn định của dược liệu, vấn nạn thuốc giả chưa kiểm soát được gây tâm lý lo ngại cho người tiêu dùng.
Để thuốc nội có chỗ đứng trên "sân nhà", tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, điều quan trọng là khẳng định được chất lượng của thuốc Việt “Người Việt Nam luôn ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.
Quốc Huy