Trong suốt 10 năm qua, bộ máy quản lý của VFF không chỉ yếu kém mà tỏ ra rất trì trệ, ngại thay đổi. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các giải đấu luôn xảy ra nhiều vấn đề, lặp đi lặp lại nhưng không có hướng giải quyết triệt để. Bóng đá Việt Nam vẫn đầy rẫy vấn nạn trọng tài, mua bán điểm, bạo lực sân cỏ... và sự bất lực của VFF thể hiện ở tư tưởng sống chung với lũ cũng như không dám đứng lên trực tiếp đối đầu.
Chính vì không chấp nhận để một giải chuyên nghiệp nhưng lại thiếu chuyên nghiệp như thế, sự ra đời của VPF là tất yếu.Sự ra đời được kỳ vọng sẽ thổi một làn gió mới, giúp bóng đá Việt Nam thay đổi tích cực. Việc các ông bầu tiến hành “khởi nghĩa” đòi thành lập một công ty thay quyền VFF điều hành các giải đấu chuyên nghiệp, ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của tất cả những ai quan tâm đến bóng đá Việt Nam.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần thể thao SLNA Nguyễn Hồng Thanh nhận xét: “VPF sẽ hoàn thiện hơn rất nhiều so với VFF trước đó vì chắc chắn những gì mà bộ máy cũ chưa làm được hoặc làm chưa tốt sẽ được khắc phục một cách triệt để. VPF hoạt động theo mô hình doanh nghiệp được góp vốn bởi các cổ đông nên mọi người đều có trách nhiệm đóng góp và xây dựng để VPF hoàn thiện hơn. Tất nhiên, khi một công ty mới ra đời sẽ sẽ còn nhiều vấn đề đề khó khăn phải giải quyết. Dù vậy, cá nhân tôi đánh giá các mùa giải sắp tới sẽ hấp dẫn, quyết liệt hơn nhiều so với các mùa giải trước, khi VPF đứng ra điều hành giải đấu này”.
Trong khi đó, Chủ tịch Hà Nội T&T Nguyễn Quốc Hội cho rằng: “Chúng ta đang đi theo đúng xu thế của bóng đá thế giới. Nếu VPF thành công, chắc chắn sẽ là cú hích mạnh mẽ cho sự đi lên của bóng đá Việt Nam”.
Chính VFF cũng phải thừa nhận, sự ra đời của VPF là hợp thời và là xu thế đi lên của bóng đá chuyên nghiệp. Sự yếu kém của VFF trong khâu điều hành, tổ chức giải, cần được thay đổi để bóng đá Việt Nam có cơ hội “phất” lên được. Không thể chống lại quy luật, nên VFF cũng phải “ngậm đắng nuốt cay”, chấp nhận chia sẻ chiếc bánh to đùng là V-League giải hạng nhất với VPF.
Với tập hợp là những ông bầu tên tuổi, sự quyết đoán, năng động là điều dễ nhận thấy nhất ở VPF ngay từ ngày mới thành lập.Điểm nhấn đáng chú ý đầu tiên, chính là cuộc chiến bản quyền truyền hình kéo dài kỷ lục với chính VFF và AVG. Cuộc chiến này đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí. Mục đích của VPF trong cuộc chiến này, chính là muốn lấy lại miếng bánh hấp dẫn, coi đây là nguồn thu chính, thậm chí khổng lồ trong tương lai.
Thị trường chuyển nhượng, công tác trọng tài là một trong những vấn đề nóng nhất ở mỗi mùa giải. Với sự nhất trí cao, bắt đầu từ mùa giải 2013, cầu thủ thi đấu trong hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp phải có giấy chứng nhận cầu thủ đủ điều kiện thi đấu chuyên nghiệp.
Về công tác trọng tài, giám sát, một mặt tiếp tục nâng cao trình độ bằng các lớp tập huấn, nâng mức lương, thành lập Ban trọng tài để có những chỉ đạo sâu sát hơn... VPF cũng tăng cường các biện pháp xử lý kỷ luật nhằm làm trong sạch đội ngũ trọng tài, giám sát. Phân loại trọng tài theo mỗi cấp độ khác nhau dựa trên quá trình làm nhiệm vụ của các trọng tài tại các trận đấu liên quan và đề xuất sự thăng cấp hay giáng cấp trọng tài. Trong công tác giám sát, VPF tính tới chuyện thí điểm mời các vị giám sát là các chuyên gia bóng đá, chuyên gia trong lĩnh vực thể thao nhằm tăng sự khách quan, phá đi mối quan hệ chặt chẽ giữa trọng tài và giám sát nhiều mùa giải vừa qua. Đó là chưa kể, sau nhiều năm, các trọng tài cũng đã được tăng lương đáng kể, tạo điều kiện cho các “vua sân cỏ” yên tâm làm nhiệm vụ.
Ngoài ra, VPF cũng đã có những thay đổi lớn trong việc bắt buộc các CLB phải duy trì hệ thống đào tạo trẻ, coi đây là vấn đề sống còn với bóng đá Việt Nam. Tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ, đồng nghĩa với việc hạn chế ngoại binh. Theo đó, từ năm 2013, số lượng ngoại binh sẽ giảm xuống đáng kể so với những mùa giải trước. Việc giảm số lượng ngoại binh, VPF cũng tính việc các CLB sẽ “lách luật”, nhập tịch cho cầu thủ ngoại. Tuy nhiên, VPF hy vọng các đội có ý thức phát triển cầu thủ trẻ phục vụ cho đội tuyển chứ nếu một khi đội bóng chỉ nghĩ đến thành tích của mình mà quên mục tiêu chung của bóng đá nước nhà.
Sau sự kiện bầu Kiên bị bắt và đặc biệt là cơn khủng hoảng tài chính cuối năm 2012 khiến hàng loạt ông bầu bỏ bóng đá, các đội giải thể, hàng trăm cầu thủ bị mất việc, tưởng như VPF sẽ rơi vào cảnh khó khăn, nhưng công ty này vẫn đứng vững. Thậm chí, các thành viên của VPF tin rằng bóng đá Việt Nam đang trở về giá trị thực, số lượng giảm nhưng chất sẽ tăng bởi các đội giờ đều có cái nhìn nghiêm túc trong cách làm bóng đá của mình.
Tất nhiên, mới chỉ có hơn một năm ra đời, VPF vẫn còn có nhiều hạn chế, cũng bởi bóng đá Việt Nam muốn thay đổi không phải một sớm một chiều. Tuy nhiên, trong nỗ lực cải thiện hình ảnh giải đấu, tiến tới đưa V-League trở thành giải đấu hấp dẫn trong khu vực và châu lục, những gì mà VPF đang làm vẫn nhận được sự ủng hộ cao của người hâm mộ. Nói đâu xa, quyết định thuê chuyên gia Nhật Bản Kazuyoshi Tanabecho thấy quyết tâm nâng chất giải đấu của VPF.
Theo Vnexpress
(TH)