Bệnh tắc nghẽn mạn tính động mạch chi dưới còn gọi là thiếu máu chân mạn tính. Bệnh gây mất chức năng đi đứng của bệnh nhân. Ngoài tổn thương ở chân, bệnh còn ảnh hưởng đến toàn thân, gây ra biến chứng hoại tử lan rộng ở bàn chân, tỉ lệ cắt cụt chi và tử vong vẫn còn cao.

Ai dễ mắc bệnh?

Hẹp và tắc nghẽn động mạch chi dưới do các mảng xơ vữa là nguyên nhân thường gặp nhất. Khi tắc động mạch, lượng máu đến nuôi chân giảm đi, đến một mức độ nào đó sẽ gây tình trạng thiếu máu nuôi chân ở các mức độ khác nhau. Những đối tượng thường mắc bệnh này là: Người lớn tuổi, hút thuốc lá, có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, ít vận động và trong gia đình có người bệnh xơ vữa mạch là đối tượng dễ mắc bệnh động mạch tắc nghẽn mạn tính.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bệnh lý này, trong đó vữa xơ động mạch là nguy cơ hàng đầu. Hậu quả của tắc động mạch chi dưới ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống, sinh hoạt, làm việc và lao động của người bệnh, thậm chí trở thành tàn phế, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Biểu hiện của bệnh

Để chẩn đoán tắc mạch thường không khó và các triệu chứng khá điển hình. Người bệnh sẽ có 5 dấu hiệu cơ bản sau: Đau: Có thể thay đổi tùy theo thời điểm khởi phát, tiến triển theo thời gian, vị trí và mức độ tắc nghẽn. Mất mạch: Sờ mạch mu chân không thấy, cần siêu âm để chẩn đoán xác định. Xanh nhợt: Sờ vào chi thấy xanh nhợt và lạnh. Rối loạn cảm giác chi: Khoảng 50% các trường hợp có biểu hiện tê bì, dị cảm. Liệt vận động: Là dấu hiệu gợi ý tiên lượng rất xấu cho người bệnh.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp triệu chứng lâm sàng không đầy đủ, chỉ thấy chi lạnh, mạch ngoại vi không bắt được. Khi đó, cần khám lâm sàng cẩn thận và so sánh với bên lành để tránh bỏ sót tổn thương.

Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến đầu chi không được cung cấp máu đầy đủ, có thể phải cắt cụt chi do hoại tử. Vì vậy, phát hiện sớm và điều trị đúng chuyên khoa là điều quan trọng nhất.

Lời khuyên của bác sĩ

Bệnh có liên quan nhiều đến các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến mạch máu bao gồm: thuốc lá, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, bệnh đái tháo đường. Vì vậy, người bệnh cần tuyệt đối bỏ thuốc lá và điều trị, kiểm soát tốt các bệnh kèm theo như kiểm soát tốt huyết áp, điều trị bệnh đái tháo đường và tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid.

Một vấn đề quan trọng nhất là cần khám và phát hiện bệnh sớm, ở giai đoạn chưa đau khi nghỉ ngơi hay chưa có viêm loét, hoại tử chi do thiếu máu. Phát hiện sớm sẽ giúp người bệnh tránh được tàn phế do các biến chứng của bệnh.

Khi đã xuất hiện bệnh, có đau cách hồi, người bệnh cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch và dùng thuốc thường xuyên theo chỉ dẫn. Theo dõi định kỳ để có biện pháp can thiệp kịp thời tránh biến chứng.

Thành An