Lớp trẻ hôm nay không ai may mắn được gặp Bác Hồ, trò chuyện với Bác, nhưng hình ảnh về Bác thì thật gần gũi, quen thuộc, luôn hiện hữu trong tim mỗi người. Trong số những hình ảnh thân quen ấy, nhiều người tôi rất ấn tượng với cách Bác ngồi đọc sách, nhìn vào đó ta thấy toát lên một phong thái ung dung, trí tuệ, an nhiên.
Nói về đọc sách, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: "Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý, lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn…". Đọc sách không chỉ lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi, nó còn giúp chúng ta có thêm rất nhiều kiến thức mới, phục vụ cho cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thực hiện rất nhuần nhuyễn quan điểm này, với thời gian đọc sách của Người khiến mọi người phải nể phục.
Người đọc sách bằng phương pháp kết hợp đọc và ghi chép phân loại thông tin. Bác có thói quen khi đọc, ngón tay đưa theo dòng, mắt dõi theo, chỗ nào có vấn đề chú ý thì dừng tay ghi chép hoặc đánh dấu để dễ nhận biết những chỗ cần chú ý, những số liệu và thông tin cần xử lý. Đọc báo, thấy gương người tốt muốn thưởng Huy hiệu, Bác dùng bút bi hoặc bút chì màu đỏ khuyên vào. Chỗ nào cần lưu ý, Bác đánh dấu gạch chéo (/); đánh dấu bằng chữ X và gạch chéo (X/) là chú ý dòng; (!) là lạ; có vấn đề chưa rõ ràng, còn nghi ngờ, Người đánh dấu chấm hỏi (?) và yêu cầu văn phòng xác minh lại. Đoạn nào cần xem kỹ, Bác đánh dấu gạch chéo và chấm phẩy (/;). Đã xem xong, Bác viết chữ V... Các đồng chí phục vụ cứ nhìn vào các ký hiệu đó là hiểu và thực hiện theo ý của Người. Bác luôn chú trọng đến việc ghi chép, đánh dấu, gạch chân, đóng khung và thậm chí cắt gián. Với cường độ đọc cao, một ngày khoảng trên hai chục tờ báo trong và ngoài nước nếu không có những biện pháp đọc khoa học thì khó có thể nhớ và tổng hợp hết được các vấn đề và thông tin đã đọc.
Người khuyên: “Muốn có nhiều tài liệu phải xem cho rộng... Xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy”. Không chỉ là những người đọc để phục vụ công việc hằng ngày mới cần phải đọc, mà mỗi một người đều nên đọc sách để tăng thêm kiến thức và có những hiểu biết cho quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Người nhấn mạnh: “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu trong sách. Có vấn đề thông suốt thì mạnh dạn đề ra cho vỡ lẽ, đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt ra câu hỏi: “vì sao” đều phải suy nghĩ kỹ càng, xem nó có hợp với thực tế hay không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ cho chín chắn.”
“Dù xem được hàng ngàn quyển lý luận nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào cái hòm đựng sách”. Đọc, nghiền ngẫm và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống mới là vấn đề quan trọng. Chúng ta chỉ đọc sách mà không áp dụng gì được cho chính bản thân chúng ta hoặc với người khác thì không khác nào chúng ta ăn mà không tiêu, không hấp thụ được dưỡng chất vào cơ thể. Khi đó, sách cũng chỉ là đống giấy chứa chữ vô nghĩa mà thôi.
Ngày nay, giới trẻ chúng ta có rất nhiều phương tiện để có thể tiếp cận thông tin thuận tiện như: Xem tivi, nghe radio, lướt web bằng điện thoại di động thông minh, máy tính bảng, máy tính,… vì thế văn hóa đọc sách gần như bị mai một. Sự phát triển của công nghệ thông tin làm cho một bộ phận không nhỏ đoàn viên thanh niên chúng ta chịu ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng xã hội, các trò giải trí của internet, bên cạnh đó việc bị cuốn vào vòng quay của cuộc sống mà quên đi những lợi ích thiết thực của việc đọc sách đem lại, nhiều khi thông tin tràn ngập nhưng mà vẫn thấy thiếu, đó là khoảng trống không thể lấp đầy nếu không chịu đọc sách, nghiên cứu và tìm tòi. Học tập tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cách đọc sách chưa bao giờ là điều lạc hậu, cũ kỹ trong giai đoạn hiện nay.
Trần Thái Học