Đồng chí Nguyễn Hoài Thu kiểm tra sức khỏe cho Đoàn CCB tỉnh Cao Bằng đến điều dưỡng tại Làng Hữu nhị.

“Tất cả 14 thành viên của đoàn chúng tôi đều ấn tượng, có cảm tình rất tốt đối với mỗi y bác sĩ, nhân viên phục vụ tại Làng Hữu nghị Việt Nam. Họ thật tuyệt vời! Sau thời gian điều dưỡng ởLàng, tôi thấy sức khỏe của mình được cải thiện nhiều, giảm đau nhức về đêm, ăn ngon miệng và ngủ sâu giấc hơn…”. Đó là chia sẻ của CCB Võ Xuân Tư, 71 tuổi ở tỉnh Thừa Thiên Huế sau đợt điều dưỡng từ Làng Hữu nghị Việt Nam.

Làng Hữu nghị Việt Nam (viết gọn là Làng) thuộc T.Ư Hội CCB Việt Nam. 26 năm qua, mỗi cán bộ, nhân viên của Làng, đặc biệt cán bộ Trung tâm y tế luôn thầm lặng, miệt mài chăm sóc, phục hồi chức năng cho CCB, cựu TNXP, các cháu là con, cháu CCB nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh, góp phần xoa dịu, làm vơi đi nỗi đau da cam. Mỗi năm, Làng đón gần 600 CCB, cựu TNXP về điều dưỡng, điều trị; nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục thường xuyên cho 110-120 trẻ em của 36 tỉnh, thành từ Quảng Nam trở ra phía Bắc.

Các CCB, cựu TNXP đến Làng điều dưỡng cũng mang theo nhiều loại bệnh khác nhau: tim mạch, huyết áp, dạ dày, gan, thận, đường ruột, phổi, thần kinh... Vì vậy, khi đón đưa CCB, Làng đều cử bác sĩ, điều dưỡng viên đi cùng để đảm bảo cho các chuyến xe được an toàn. Khi đến Làng, mỗi CCB được thăm khám, lên phác đồ điều trị bằng cả đông, tây y, kết hợp chế độ ăn uống theo một quy trình chặt chẽ.

Trò chuyện cùng chúng tôi, CCB Võ Xuân Tư tâm sự: “Những ngày cuối năm ngoái, Hà Nội rét căm căm, chúng tôi từ miền Trung - vùng ít chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc trở về Làng nhưng cảm giác như về nhà mình vậy”. Ông đã viết vào cuốn sổ lưu tại Làng: “Những ngày ở Làng, chúng tôi được sống trong tình yêu thương, chăm sóc tận tình, chu đáo, chỉ bảo ân cần của bác sĩ Thu và các bạn nhân viên Trung tâm y tế… Từ lãnh đạo đến nhân viên ở Làng đều có điểm chung,đó là tình cảm đồng đội, tình cảm anh em, con cháu của đại gia đình”.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu - phụ trách Trung tâm y tế của Làng cũng là một CCB, người trực tiếp trị bệnh, chăm sóc CCB. Ông luôn trăn trở: “Các bác CCB về với Làngđã từng vào sinh ra tử, bịnhiễm chất độc da cam/dioxin, lại mang trong mình nhiều bệnh tật do chiến tranh. Với tôi,được chăm sóc cho đồng đội là cơ hội tri ân vậy”.

Đối với các cháu khi vào Làng cũng mang theo nhiều bệnh nan y như: Dị tật hình thể, teo cơ, khuyết tật vận động, câm, điếc, bại não, tăng động, tự kỷ…đặc biệt, đa phần đề bị thiểu năng trí tuệ. Với tinh thần “Lương y phải như từ mẫu” cán bộ, nhân viên Trung tâm y tế dành hết tâm huyết, trái tim nhân ái của người bác sĩ và tấm lòng tri ân để quan tâm, chăm sóc các cháu như chính con đẻ của mình.

Là con của CCB, người trực tiếp điều trị cho các cháu -bác sĩ Hoàng Hồng Quang luôn đề cao y đức với lòng tri ân sâu sắc. Anh nhẫn nại tìm hiểu từng cháu để có phác đồ điều trị phù hợp. Anh chia sẻ: “Không như những trẻ bình thường, cấu tạo giải phẫu của các cơ quan trong cơ thể các cháu ở đây thường bất thường, nhận thức rất hạn chế. Nhiều cháu còn chống đối, không hợp tác trong quá trình điều trị. Vì thế, nhiều khi, bác sĩ chữa tâm lý trước cả chữa bệnh lý”.

Trung tâm y tế của Làng còn vận động Ủy ban Quốc tế về Làng Hữu nghị Việt Nam và Viện Quân y 103 hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện mổ hàm ếch 3 lần cho em Thu; mổ tim cho em Thọ quê ở Bắc Giang bị bệnh “Tứ chứng Fallot, suy tim độ II/hội chứng Down”; cấp cứu kịp thời hơn 10 ca bệnh liên quan đến úng thủy não, tim mạch thành công... Chị Phạm Thị Tuyết Thanh - nhân viên Trung tâm y tế cho biết: “Khi chưamổ, em Thọ thường xuyên bị ngất hoặc bị lả người, phải cấp cứu liên tục; ít thấy em chơi với bạn bè vì thể trạng yếu. Nhưng hiện nay, em vui vẻ hơn nhiều. Em rất thích đưa khách đi giới thiệu về Làng như một hướng dẫn viên”.

Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm y tế của Làng tổ chức hơn 10 buổi phổ biến kiến thức y tế cộng đồng như: Phương pháp vệ sinh răng miệng; tập thể dục; day, ấn huyệt để chữa bệnh đau vùng cổ, vai, gáy, thắt lưng; nhận biết một số bệnh thông thường cùng cách phòng bệnh, tự chăm sóc bản thân... Những buổi phổ biến kiến thức rất bổ ích với CCB và các cháu tại Làng.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thăng Long - Giám đốc Làng cho biết: “Những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của T.Ư Hội CCB Việt Nam; sự quan tâm đặc biệt của Bộ Quốc phòng; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể từ T.Ư đến địa phương, Làng làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho CCB và các cháu, qua đó đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam”.

Điều khiến cán bộ, nhân viên ở Làng rất trăn trở là, số lượng CCB và con cháu CCBnhiễm chất độc da cam/dioxin ở các địa phương có nhu cầu về Làng điều dưỡng, chăm sóc, nuôi dưỡng còn nhiều; bệnh tật của các đối tượng thường nặng và phức tạp, trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực còn hạn chế nên công tác điều trị cũng gặp không ít khó khăn.

Vũ Minh