Người lao động tự do, bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19 mong sớm nhận được tiền hỗ trợ để ổn định cuộc sống.

Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68 về gói chính sách hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, với tổng giá trị khoảng 26.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ giúp các đối tượng này vượt qua khó khăn, sớm ổn định sản xuất, cuộc sống.

Ngày 1-7-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Các chính sách này áp dụng với người chịu tác động bởi dịch bệnh tính từ ngày 1-5-2021. Nghị quyết đưa ra 12 nhóm chính sách hỗ trợ, gồm hỗ trợ bằng tiền mặt, miễn và hoãn nộp bảo hiểm xã hội, cho vay trả lương cho lao động. Ngay sau khi Nghị quyết có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp, người lao động kỳ vọng gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 2 sẽ được giải ngân nhanh hơn gói gói an sinh 62.000 tỷ đồng trước đó.

Tại buổi họp báo công bố Nghị quyết, đồng chí Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 hướng đến mục tiêu ổn định đời sống, duy trì việc làm cho người lao động thông qua việc nới lỏng các điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Còn người lao động, tùy từng đối tượng, có thể được hỗ trợ nguồn lực trước mắt, hoặc được tạo điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Mong muốn đơn giản hóa hồ sơ xét duyệt

Tiếp xúc với PV Báo CCB Việt Nam, không chỉ doanh nghiệp mà nhiều người dân, đặc biệt là người lao động khó khăn và lao động tự do rất phấn khởi trước thông tin về gói hỗ trợ này. Theo ông Hoàng Mạnh Cường - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB T.P Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thạch Bàn: Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng lên chưa thấy điểm dừng. Các doanh nghiệp muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số, đẩy mạnh mua bán online... nhưng thiếu vốn. Ngoài ra, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời, nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét, số lượng doanh nghiệp được tiếp cận gói hỗ trợ rất thấp.

Ông Hoàng Mạnh Cường phân tích: “Ở gói hỗ trợ lần 1, các quyết định cho vay bị hành chính hóa, điều kiện vay quá ngặt nghèo, không phù hợp với các nguyên tắc thương mại thông thường, không phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành. Thay vì mục tiêu là bảo vệ việc làm và khuyến khích doanh nghiệp giữ người lao động, gói hỗ trợ lại đặt ra điều kiện là doanh nghiệp phải có từ 20 đến 30% người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc một tháng liên tục trở lên”.

Cũng theo ông Cường, khi xây dựng chính sách hỗ trợ mới, cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có chọn lọc, phân loại ngành, nghề để hỗ trợ có điều kiện, tiêu chí cụ thể, bảo đảm doanh nghiệp có thể tiếp cận thuận lợi. Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đang có đơn hàng sản xuất, kinh doanh tốt, có đóng góp trong phát triển kinh tế, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh không thể tiếp tục thực hiện duy trì sản xuất, phát triển kinh tế doanh nghiệp theo kế hoạch.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Bắc Giang cho biết: Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp CCB trên địa bàn phải cắt giảm nhân công, cắt giảm số lượng công việc vì thu không đủ chi. Không tiếp cận được khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh thu giảm mạnh, phải cho nhiều lao động nghỉ việc, đến nay vẫn lao đao. Gói 62.000 tỷ đồng trước đó, số tiền lớn hơn nhiều so với gói này nhưng nhiều doanh nghiệp không hề được tiếp cận. Hy vọng ở gói hỗ trợ mới này, các doanh nghiệp rất mong chờ được hướng dẫn cụ thể để nhận ưu đãi vay lãi suất 0% giúp đỡ công nhân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tại T.P Hồ Chí Minh, dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, hiện toàn thành phố đang thực hiện giãn xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ khiến cuộc sống của nhiều lao động tự do gặp khó khăn. Thời gian qua, dù các cơ quan chức năng đang làm tốt công tác lập hồ sơ, kê khai danh sách người được hỗ trợ, nhưng đến nay nhiều người lao động vẫn chưa nhận được gói hỗ trợ an sinh lần 2. Theo quy định, 6 đối tượng lao động tự do được nhận hỗ trợ lần 2 của thành phố phải có hộ khẩu hoặc có đăng ký tạm trú tại thành phố, vì vậy sẽ có hiện tượng một số người có hộ khẩu nơi này nhưng cư trú nơi khác, hoặc những người chưa đăng ký tạm trú sẽ rất khó để tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Ông Nguyễn Thanh Nghi - bảo vệ Công ty may TNHH Minh Hoàng, quận Gò Vấp, cho biết: “Gần 20 ngày qua, gia đình tôi sống nhờ vào số tiền 3 triệu đồng công ty ứng trước. Với khoản tiền này, tôi chỉ dám mua thức ăn và gạo, không dám chi tiêu cho việc gì khác. Nhưng còn tiền trọ, tiền điện nước… chưa biết tính sao. Trước mắt, tôi xin bà chủ trọ cho nợ tiền phòng. Có gói hỗ trợ thì tốt, nhưng thủ tục phải đơn giản để ai cũng tiếp cận được”.

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH T.P Hồ Chí Minh cho biết: Hiện 21 quận, huyện và T.P Thủ Đức đã tiến hành chi trả gói hỗ trợ cho hơn 60.000/230.000 trường hợp là lao động tự do (đạt hơn 17%) với số tiền hơn 90 tỷ đồng. Trong đó, gần 20.000 người bán vé số không có điểm bán cố định đã nhận được kinh phí hỗ trợ từ địa phương.

Bài và ảnh: Võ Hóa

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ)