Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Ngày 13-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội (KTXH) Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Tiểu ban KTXH, nêu rõ: Hội nghị là dịp để các nhà khoa học góp ý vào các văn kiện quan trọng là Chiến lược Phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KTXH năm năm 2021-2025. Tiểu ban KTXH đã báo cáo Bộ Chính trị Đề cương sơ bộ và đang chuẩn bị Đề cương chi tiết các văn kiện này để trình Hội nghị T.Ư sắp tới.
Đánh giá các ý kiến đóng góp là rất quan trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các nhà khoa học với cách nhìn khách quan, khoa học, lập luận sâu sắc, cho ý kiến cả về lý luận và thực tiễn các mặt KTXH, chính trị, pháp luật, lịch sử, tôn giáo, quốc phòng, an ninh... Biểu dương và đánh giá cao các ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: Tiểu ban sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp rất tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học trên các lĩnh vực để hoàn thiện báo cáo.
Thủ tướng đề nghị: Chúng ta cần lạc quan để thấy rõ tình hình KTXH thời gian qua có nhiều điểm sáng. Thủ tướng nhất trí với các ý kiến là xã hội cơ bản là tốt nhưng xuất hiện nhiều nguy cơ. Trong đó, nguy cơ tụt hậu là hiện hữu trong các nguy cơ. Nếu chúng ta không có khát vọng vươn lên thì sẽ tụt hậu với thế giới. Do đó, cần phải có niềm tin vượt qua mọi khó khăn để đưa đất nước đi lên thời gian tới. Thủ tướng cũng đề nghị các ý kiến đóng góp cần quan tâm, chú trọng đề ra các giải pháp lớn cho phát triển.
Thủ tướng hoan nghênh và nêu rõ: Tại Hội nghị này, các nhà khoa học đã đề cập nhiều động lực phát triển đất nước như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khát vọng đổi mới… mang tính quyết định, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững. Thủ tướng cho rằng: cần đề cập cụ thể hơn để phát huy những thành tố quan trọng. Trong kinh tế, các vấn đề như công nghệ, nông nghiệp, du lịch... là những vấn đề quan trọng, trong đó công nghệ là hướng đi, lối ra cho phát triển nhanh và bền vững. Chúng ta phải nắm bắt thời cơ này để phát triển mạnh mẽ đất nước. Ngoài kinh tế, Thủ tướng cho rằng, các lĩnh vực như văn hoá, xã hội, tôn giáo, bình đẳng giới, khởi nghiệp, nhà nước pháp quyền... cũng cần phải được đề cập toàn diện hơn nữa. Một số vấn đề lớn cần tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong các nhà khoa học tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp quý báu trên tinh thần khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế, bất cập; tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hoá, đạo đức; nâng cao năng suất lao động, tích cực đổi mới sáng tạo…
PV