Dự án nhà ở xã hội Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, T.P Hà Nội.

Theo Bộ Xây dựng, để hoàn thành mục tiêu của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trong giai đoạn đầu (2021-2025), cả nước cần hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ, riêng năm 2024 là 130.000 căn hộ. Đây là nhiệm vụ khó khăn, cần sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hơn nữa phát triển nhà ở xã hội.

Triển khai gói tín dụng cho người mua thời gian 10-15 năm, lãi suất từ 3-5%

Thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, thời gian qua, nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã được triển khai và hoàn thành, góp phần hỗ trợ người có thu nhập thấp, công nhân, người lao động "an cư lạc nghiệp". Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn. Nhiều địa phương chưa có sẵn quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội.

Một số dự án nhà ở xã hội tại một số địa phương có quy hoạch nhưng lại cấp cho các nhà đầu tư còn yếu về năng lực, trong khi có doanh nghiệp lại thiếu động lực triển khai vì hiệu quả không cao dẫn đến chậm triển khai dự án. "Nếu các địa phương không tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ mà đòi hỏi, gây khó dễ, sách nhiễu thì doanh nghiệp cũng mất hào hứng"- Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra nguyên nhân tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội” được tổ chức ngày 16-3 theo hình thức trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Để tháo gỡ khó khăn, Thủ tướng giao các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới đối với các Bộ, ngành. Đó là yêu cầu các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước tập trung xây dựng, sớm ban hành các nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội như: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội. Đặc biệt giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp. Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp.

Với các địa phương, Thủ tướng đề nghị cấp ủy có nghị quyết để lãnh đạo việc phát triển nhà ở xã hội, HĐND ban hành các chính sách, quy định phù hợp với đặc thù địa phương, UBND các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện tốt, thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kịp thời trong điều kiện địa phương, dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm không đùn đẩy, né tránh.

“Nghẽn nguồn cung” xu hướng giá nhà ở sẽ tiếp tục tăng

Chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) phân tích: Giá nhà ở tăng mạnh có nguyên nhân từ việc Nhà nước thực hiện chính sách hạ lãi suất huy động. Điều này khiến cho kênh gửi tiết kiệm kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng và bất động sản. Nguyên nhân thứ hai là nhu cầu sở hữu nhà ở thực tế của người dân ở mức cao, trong khi lượng cung không đủ cầu, dẫn tới việc giá chung cư, đất ven ngoại thành tăng mạnh, thậm chí là chung cư cũ, đã bàn giao cách đây hàng chục năm cũng tăng phi mã.

Dự báo trong 2-3 năm tới, lượng cung nhà ở vẫn khan hiếm do các dự án nhà ở xã hội đang tiến triển rất chậm, trong khi nhà ở thương mại cũng không nhiều - đây có thể là kịch bản khiến giá nhà ở có thể tiếp tục tăng vọt và neo ở mức cao. Lý do thứ ba đó là bất động sản chung cư, đất vùng ven hiện nay được coi là kênh trú ẩn an toàn so với chứng khoán, tiền ảo… dư địa tăng trưởng lại cao.

Theo chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc, để giải quyết cấp bách nhu cầu nhà ở thời gian tới, Nhà nước cần thành lập các công ty chuyên xây dựng nhà ở xã hội. Các công ty này nằm dưới sự điều hành trực tiếp của Nhà nước để đảm bảo tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, cũng như việc tung hàng ra thị trường. Trong khi giá nhà ở tăng mạnh thì nguồn cung từ nhà ở xã hội lâm vào bế tắc.

Thứ nhất là ách tắc về quy định giữa việc chuyển quy hoạch nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Các quy định ngược nhau gây khó cho cơ quan chức năng thực hiện điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến thủ tục làm nhà ở xã hội lâm vào bế tắc. Thứ hai là vấn đề tiền sử dụng đất. Theo quy định, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất. Nhưng quy trình lại rất loằng ngoằng. Đó là doanh nghiệp phải chờ cơ quan chức năng tính toán khoản tiền sử dụng đất, ra thông báo về số tiền sử dụng đất. Sau khi có thông báo thì doanh nghiệp mới được miễn tiền sử dụng đất. Quy trình là như vậy, song, thủ tục, giấy tờ mất thời gian, kéo dài dẫn đến dự án bị “tắc”. Doanh nghiệp cũng oải vì lợi nhuận từ phân khúc này không thật sự hấp dẫn.

Ngoài ra, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cũng không được dùng mảnh đất được cấp làm tài sản thế chấp để vay ngân hàng. Điều này khiến cho dòng tiền huy động vào thực hiện dự án bị nghẽn, thậm chí là bị tắc. Ở hướng người mua. Đối tượng mua nhà ở xã hội đa phần có thu nhập thấp. Tuy nhiên, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội gói 1.200 tỷ đồng lại tương đối cao - trung bình khoảng 9%/năm, áp dụng cho 5 năm đầu tiên. Những năm sau lãi suất thả nổi. Điều này gia tăng áp lực trả nợ cho bên mua…

Võ Hóa