CCB Đỗ Mạnh Thường - Đội CCB tự quản đang làm nhiệm vụ tại km21+113 điểm giao cắt thuộc xã Đình Dù.
Đó là những tiếng hô của các CCB ở “Tổ CCB tự quản bảo vệ đường tàu” (dưới đây gọi tắt là Tổ CCB tự quản) thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã trở nên quen thuộc từ nhiều năm nay với người dân ở các điểm giao cắt với đường bộ trên tuyến đường sắt dài 18km chạy qua.
Ai nấy đều tỏ lòng kính trọng những người lính già, dù nắng hay mưa, dù mùa đông hay mùa hè, từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày vẫn miệt mài đứng gác, chắn giữ cho hành trình những chuyến tàu hỏa đi qua được an toàn, thông suốt.
Đồng chí Đinh Quang Mạnh - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Hưng Yên cho chúng tôi biết: Văn Lâm là huyện duy nhất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có đường sắt chạy qua địa bản của 7 xã, thị trấn, với 2 ga Lạc Đạo và Tuấn Lương, nhưng tàu hỏa đi qua, giao cắt với nhiều tuyến đường ngang dân sinh và khu công nghiệp, không có trạm gác chắn barie và nhân viên của Ngành Đường sắt hướng dẫn, nên thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Mà những vụ tai nạn giao thông đường sắt đều thiệt hại lớn và rất thương tâm.
Trước thực trạng nhức nhối đó, đầu năm 2012, CCB Đặng Văn Lậm đã tự nguyện đứng canh đường tàu vào những giờ tàu sắp chạy qua. Khi nghe thấy tiếng còi tàu là tay cầm cờ phất ra hiệu, miệng thổi còi, rồi hô vang cho mọi người biết: “Tàu đến... dừng lại”... Mấy ngày sau CCB Đặng Văn Bính và CCB Trịnh Quang Trung cũng tự nguyện tham gia. Và đây là Tổ CCB tự quản đầu tiên của CCB huyện Văn Lâm.
Thấy được hiệu quả của Tổ CCB tự quản, với sự đề xuất của BCH Hội CCB huyện, ngày 11-12-2012, Ban ATGT huyện Văn Lâm ra quyết định thành lập và nhân rộng ra thêm 7 tổ khác, có nội quy, quy chế hoạt động thống nhất với tinh thần hoàn toàn tự nguyện, tự giác và tự trang trải về kinh phí.
CCB Đặng Văn Lậm chia sẻ với tôi: “Những ngày đầu mới thành lập, chưa có gác chắn tàu, các chú còn phải đi mua dây thừng về sơn màu đỏ để căng dây chắn trước khi tàu chạy qua; giờ cao điểm xe ô tô, xe máy, người qua lại ùn tắc nhiều, thì phân luồng giao thông. Cũng mừng là mọi người quen biết các chú cả, nên hầu hết tự giác chấp hành…”.
Còn CCB Khương Văn Trường, hơn 70 tuổi, thành viên Tổ CCB tự quản km21+100 thuộc xã Đình Dù thì nói: “Chúng tôi tự nguyện làm công việc này. Tuổi về già nên cũng muốn tham gia một công việc có ích cho cộng đồng. Công việc tuy không thật vất vả lắm, nhưng đòi hỏi mình phải kiên nhẫn, tập trung cao thì mới kịp thời ra hiệu được trước khi tàu đến; thậm chí phải kiên quyết ngăn giữ những người cố tình vượt qua đường tàu. Ngoài việc chính theo dõi giờ tàu chạy đến, lập “rào chắn” không cho các phương tiện vượt qua, chúng tôi còn sẵn sàng giúp đỡ những người gặp nạn trên đường. Mỗi lần giúp đỡ được người qua đường an toàn, chúng tôi thấy vui và yêu đời hơn...”.
Bà Hồng bán nước chè ở Dốc Nghĩa, xã Chỉ Đạo xởi lởi nói với tôi: “Đúng là hiếm có ai như các bác CCB, già cả rồi, nhiều bác sức cũng yếu mà ngày nào cũng có mặt gác đường tàu. Thi thoảng tôi vẫn mời nước các bác ấy. Hôm thì kịp uống, hôm không…”.
Thật tuyệt vời, kết quả là tất cả 8 điểm có Tổ CCB tự quản ở huyện Văn Lâm kể từ khi đi vào hoạt động đến nay đều không xảy ra tai nạn giao thông đường sắt nữa. Năm 2013, Tổ CCB tự quản km26+500 xã Chỉ Đạo được Uỷ ban ATGT Quốc gia tặng Bằng khen; 2014 lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban ATGTQG về thăm, tặng Bằng khen Tổ CCB tự quản ở km26+490 thuộc xã Chỉ Đạo do CCB Đặng Văn Lậm làm tổ trưởng. Năm 2017, Tổ CCB tự quản xã Đình Dù được Ngành Đường sắt và Công an tỉnh Hưng Yên tặng Giấy khen; năm 2016 được Hội CCB tỉnh tặng Bằng khen. Năm 2018, CCB Đặng Văn Lậm được cử đi báo cáo điển hình tại Hội nghị Bảo đảm ATGT sáu tỉnh đồng bằng Bắc bộ do Ủy ban ATGTQG và T.Ư Hội CCB Việt Nam tổ chức…
Ông Nguyễn Mạnh Chuông - Phó ban ATGT huyện Văn Lâm cho chúng tôi biết: Từ khi có các Tổ CCB tự quản đi vào hoạt động, ATGT đường sắt đọan qua tỉnh Hưng Yên chỉ còn xảy ra ở những vị trí khác và giảm hẳn cả 3 tiêu chí. Ví dụ năm 2013 khi cả 8 Tổ CCB tự quản đi vào hoạt động, đã giảm 25% số vụ tại nạn; Giảm 100% số người chết; 100% số người bị thương so với năm trước. Đến nay tuy chưa khắc phục được tuyệt đối tai nạn giao thông đường sắt, nhưng đều ở đường ngang tự phát không có người đứng gác.
Thấy được hiệu quả của các Tổ CCB tự quản góp phần giảm tai nạn giao thông thực sự, UBND tỉnh quyết định trợ cấp 50.000 đồng/người/ngày và được cấp thêm kinh phí mua dây thừng. Từ tháng 7-2017, tỉnh tăng hỗ trợ lên 3 triệu đồng/tháng/người. Đồng thời Ban ATGT tỉnh, huyện thường xuyên phối hợp với Ngành Đường sắt tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên của Tổ CCB tự quản, trang bị bổ sung một số dụng cụ như cờ, còi, đèn tín hiệu… để hội viên thực hiện thao tác như một nhân viên gác ghi tàu chuyên nghiêp.
Tháng 9-2018, đồng chí Nguyễn Văn Phóng - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đến thăm và nghe Hội CCB huyện Văn Lâm báo cáo mô hình Tổ CCB tự quản. Đồng chí Chủ tịch tỉnh cho rằng đây là mô hình của CCB hoạt động rất có hiệu quả, góp phần đáng kể vào giữ gìn an ninh trật tự xã hội của tỉnh.
Hoàng Hà