Đại diện các nước Saudi Arabia, Trung Quốc và Iran trong lễ ký thỏa thuận nối lại quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia tại Bắc Kinh ngày 10-3.

Ngày 10-3, Iran và Saudi Arabia tuyên bố sẽ khôi phục quan hệ khi đại diện của hai nước ký thỏa thuận tại Bắc Kinh với vai trò trung gian của Trung Quốc. Tin tức loan đi, ngay lập tức được nhiều nước trên thế giới ca ngợi, chúc mừng. Thế nhưng, động thái được cho là sẽ có ảnh hưởng sâu rộng tới bức tranh địa chính trị ở khu vực Trung Đông này lại bị chính quyền cũ và đương nhiệm của Israel đổ lỗi cho nhau.

Saudi Arabia, quốc gia Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số, năm 2016 cắt quan hệ ngoại giao với Iran - nơi người dân chủ yếu theo Hồi giáo dòng Shiite. Quyết định này được đưa ra nhằm đáp trả việc người biểu tình Iran tấn công các cơ quan đại diện ngoại giao của Saudi Arabia để phản đối Riyadh xử tử giáo sĩ dòng Shiite Nimr al-Nirm. Ngoài ra, Iran và Saudi Arabia còn bất đồng trong nhiều vấn đề, hỗ trợ các phe phái khác nhau ở những vùng xung đột như Yemen, đồng thời cạnh tranh ảnh hưởng ở Syria, Lebanon và Iraq.

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc - Vương Nghị đánh giá thỏa thuận giữa Iran và Saudi Arabiacho thấy nước này "là nhà hòa giải đáng tin cậy và đã hoàn thành trung thực nhiệm vụ của mình" khi tổ chức các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia Trung Đông. Phát biểu của ông Vương Nghị quả không sai, bởi chính Iran và Saudi Arabia đã nhiều lần cố gắng hòa giải nhưng không đạt được kết quả trong suốt 7 năm qua. Chưa rõ vài trò trung gian của Trung Quốc có tác động thế nào khiến hai nước “làm lành” nhưng việc thoả thuận nối lại quan hệ ngoại giao của họ được công khai ở Bắc Kinh cho thấy vai trò không nhỏ của Trung Quốc.

Giải thích cho nỗ lực trung gian của mình, Trung Quốc tuyên bố nước này “không theo đuổi bất cứ lợi ích ích kỷ nào” ở Trung Đông, cũng như sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước trong khu vực giải quyết khác biệt "thông qua đối thoại và tham vấn để cùng nhau thúc đẩy hòa bình, ổn định lâu dài". Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này tôn trọng vị thế của các nước Trung Đông với tư cách chủ nhân của khu vực, đồng thời phản đối cạnh tranh địa chính trị tại đây; Trung Quốc không có ý định và sẽ không tìm cách lấp đầy cái gọi là khoảng trống hoặc thiết lập những khối độc quyền.

Nỗ lực của Trung Quốc đáng được ca ngợi nhưng nếu Trung Quốc không phải là một nước lớn và có các lợi ích với cả Iran và Saudi Arabia thì làm sao Trung Quốc có thể giúp hai bên hoà giải? Câu hỏi này vẫn còn chờ tương lai trả lời trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định nước này sẽ đóng góp hiểu biết và đề xuất để “hiện thực hóa hòa bình và yên bình tại Trung Đông” cũng như “đóng vai trò là một nước lớn có trách nhiệm trong quá trình này”.

Trong khi đó, cái bắt tay giữa Tehran và Riyadh lại làm nóng chính trường Israel khi chính quyền đương nhiệm và tiền nhiệm ở nước này chỉ trích nhau thất bại trong chính sách đối ngoại để Iran và Saudi Arabia khôi phục quan hệ ngoại giao. Theo phe đối lập Israel, chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu đương nhiệm đã bỏ bê quan hệ đối ngoại để tập trung vào cải cách tư pháp trong nước, động thái làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình phản đối. Cựu thủ tướng Naftali Bennett cùng ngày cho rằng việc Saudi Arabia và Iran khôi phục quan hệ ngoại giao là hệ quả của “sự tắc trách, yếu kém của chính quyền ông Netanyahu cùng sự chia rẽ nội bộ trong nước”. Vậy nhưng, một quan chức cấp cao đang tháp tùng Thủ tướng Netanyahu thăm Italy bác bỏ các cáo buộc, cho rằng đây là lỗi của các chính quyền tiền nhiệm.

Người này cho hay quá trình đàm phán giữa Riyadh và Tehran bắt đầu từ năm 2021, khi Chính phủ đoàn kết của ông Bennett và Lapid đang lãnh đạo Israel và chính quyền Tổng thống Mỹ - Joe Biden cam kết khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran. “Có cảm giác rằng sự mềm yếu của Mỹ và Israel đã khiến Saudi Arabia tìm đến các bên khác" - quan chức này nói.

Những lời chúc mừng của các nước hay những lời qua tiếng lại ở Israel khi Iran và Saudi Arabia hàn gắn lại quan hệ thể hiện rõ thực tế mâu thuận dai dẳng ở Trung Đông. Trong khi những năm gần đây Israel lần lượt bắt tay mở quan hệ với một số quốc gia trong khu vực thì Iran vẫn bị Israel coi là kẻ thù truyền kiếp. Các mâu thuẫn chính trị và tôn giáo lâu năm vẫn là ngọn lửa âm ỉ thổi bùng những chia tách và xung đột trong khu vực vốn đầy bất ổn này.

Thanh Huyền