Biểu trưng của STASI.
(Báo tháng) - Bộ An ninh Quốc gia (STASI) trong đó có Tổng cục Tình báo đối ngoại (HvA) của CHDC Đức được coi là một trong 5 cơ quan tình báo mạnh nhất thế giới cùng với KGB của Liên Xô, Mossad của Israel, CIA của Mỹ và MI-6 của Anh. Được thành lập tháng 2-1950 với nhiệm vụ vô hiệu hóa các hoạt động gián điệp, lật đổ của các cơ quan tình báo quân sự Anh, Pháp, Mỹ; với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp Liên Xô, STASI đã trưởng thành rất nhanh về kinh nghiệm, nghệ thuật tình báo và sớm đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Một trong những chiến tích đầu tiên và lớn nhất là ngày 21-5-1956, các điệp viên của STASI đã đánh cắp được 2 chiếc két chứa đầy tài liệu tuyệt mật từ phòng làm việc của Tiểu đoàn tình báo quân sự 522 thuộc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA). Dựa vào các tài liệu này, trong vòng 5 ngày, lực lượng an ninh CHDC Đức đã bắt giữ 137 điệp viên của Mỹ, 9 điệp viên khác buộc phải chạy trốn sang phương Tây.
Do CHLB Đức là bàn đạp và lực lượng tiên phong trong một cuộc xung đột có thể xảy ra giữa NATO và khối Varsava (tại đây, đồn trú 600.000 quân NATO và 380.000 quân Liên Xô) nên địa bàn nước này chiếm gần 80% số chiến dịch tình báo do STASI tiến hành. Các mục tiêu xâm nhập chính của tình báo CHDC Đức, ngoài các cơ quan Chính phủ và phái bộ ngoại giao của CHLB Đức, còn có NATO, Sứ quán Mỹ và các cơ quan tình báo Mỹ tại Tây Đức, cũng như ngoại giao đoàn tại Bonn. Trong đó, một trong những tình báo viên xuất sắc nhất của STASI là siêu điệp viên Günther Guillaume, từ năm 1972 là trợ lý riêng của Thủ tướng Willy Brandt. Nhờ Guillaume, ban lãnh đạo CHDC Đức đã nắm được toàn bộ hoạt động của Thủ tướng CHLB Đức, kể cả những ý đồ, thực chất và nội dung của “chính sách phương Đông mới” của ông này.
Cựu nhân viên CIA John Keller thừa nhận: “Quy mô xâm nhập của các điệp viên CHDC Đức vượt xa mọi sự trông đợi tồi tệ nhất. Thực tế cho thấy toàn bộ Chính phủ, tất cả các chính đảng, ngành công nghiệp, các nhà băng, nhà thờ và báo chí đã bị xâm nhập. Các điệp viên STASI thậm chí còn xâm nhập được vào BND (cơ quan tình báo), BfV (cơ quan phản gián), MAD (cơ quan tình báo quân sự) CHLB Đức”. Theo đánh giá, tổng cộng có hơn 20.000 người Tây Đức chưa từng bị lọt vào tầm ngắm của phản gián Tây Đức làm việc cho tình báo CHDC Đức.
Một trong những “mỏ vàng” của STASI ở CHLB Đức là BfV. Ngày 20-7-1954, Tiến sĩ Otto John - Giám đốc BfV, dưới tác động của các điệp viên STASI đã từ bỏ cơ quan này chạy sang CHDC Đức. Hơn 30 năm sau, ngày 15-8-1985, theo “gương” Otto John, một sếp khác của BfV là Hans Joachim Tiegde đã biến mất một cách bí ẩn. Bốn ngày sau, Tiegde bất ngờ tổ chức họp báo ở Đông Berlin và thông báo quyết định cắt đứt với quá khứ của mình để bắt đầu cuộc sống mới ở CHDC Đức. Cuối năm 1985, chỉ huy trưởng một phòng của BfV là Kitke cũng tự nguyện chạy sang CHDC Đức mang theo toàn bộ tài liệu lưu trữ của mình. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, phản gián CHLB Đức mới xác định được là vị Trưởng phòng này đã đều đặn cung cấp tin và bán các bí mật của BfV cho STASI từ nhiều năm trước đó. Chưa hết, Trưởng phòng Phòng phản gián của BfV là Klaus Kuron cũng tự biến mình thành điệp viên hai mang khi cộng tác và hưởng lương của CHDC Đức. Tại phiên tòa xét xử ông này, quan tòa tuyên bố rằng do Kuron mà hoạt động phản gián của tình báo CHLB Đức đã gần như bị tê liệt hoàn toàn.
Từ năm 1963, hàng loạt điệp viên CHDC Đức được cài cắm vào Tổng hành dinh NATO. Điển hình, vợ chồng điệp viên Ursula Lorensen có mật danh Michele, làm việc tại Cục Tác chiến trực thuộc Tổng Thư ký NATO, cung cấp những tin tức “không thể đánh giá hết giá trị” cho STASI. Vợ chồng điệp viên Rainer Ruepp, mật danh Topaz và Mozel, hoạt động trong Cục Thông tin liên lạc và Vụ Kế hoạch của NATO, trong 10 năm chuyển cho STASI 2.500 tài liệu mật cực kỳ quan trọng, kể cả kế hoạch tấn công hạt nhân phủ đầu của NATO. Trong phiên tòa xét xử một điệp viên của CHDC Đức, Công tố viên trưởng CHLB Đức nhận xét rằng, nhờ hoạt động của các điệp viên STASI trong NATO mà Liên Xô “đã có những thông tin kịp thời và tin cậy về các kế hoạch của tổ chức này, điều đó cho phép đánh giá đúng tiềm năng quân sự của khối và vận dụng đánh giá này trong các tình huống khủng hoảng”.
Lịch sử STASI chính thức kết thúc ngày 31-5-1990, khi tín hiệu dừng hoạt động được gửi tới các điệp viên của họ hoạt động ở nước ngoài. Tổng hành dinh STASI ở Berlin cùng nhiều tài liệu của nó bị các nhân viên BND chiếm giữ. STASI không còn nữa, song những thành công của nó đã góp phần củng cố sức mạnh của khối XHCN và bảo vệ hòa bình trên thế giới, cho thấy tính chuyên nghiệp rất cao của các chiến sĩ an ninh, tình báo CHDC Đức. Họ xứng đáng với danh xưng “Tình báo viên vì hòa bình” mà Thượng tướng Markus Wolf - nguyên Giám đốc HvA thuộc STASI trong 34 năm, dành tặng các đồng đội.
Nguyên Phong