Ðêm 30 Tết, sau khi đã hoàn thành việc dọn dẹp, vệ sinh, trang hoàng nhà cửa, khi bếp lửa luộc nồi bánh tét được nhóm lên, cũng là lúc mọi người sửa soạn mâm ngũ quả để kịp cúng giao thừa.

Có lẽ vậy, mà gia đình nào cũng cố thể hiện sao cho mâm ngũ quả ngày Tết vừa đẹp mắt, vừa làm cho Tết Nguyên đán thêm sinh động hơn, thiêng liêng hơn, đặc biệt hơn là mang hàm ý những điều ước nguyện của gia đình mình trong năm mới.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Bộ - Nhâm Hùng thì tùy theo quan niệm riêng của từng vùng, miền, mỗi địa phương, với sản vật sẵn có, người ta chọn ra các loại quả khác nhau để trưng bày mâm ngũ quả ngày Tết thật vừa ý, thể hiện sinh động và không gian thờ cúng thêm ấm áp, rực rỡ, hài hòa với mùa xuân. Điều đó vừa là triết lý nhân văn, vừa mang tính tâm linh, tín ngưỡng và tính thẩm mỹ, chứa đựng những ước vọng, lạc quan với những điều tốt lành của mỗi thành viên người trong gia đình người Việt mang theo khi bước sang năm mới.

“Ngày nay, người ta cũng không còn quan niệm mâm ngũ quả đúng 5 loại quả nữa, mà có thể là bát quả, cửu quả, thập quả... Bởi lẽ, từ xa xưa mâm ngũ quả ngày Tết đã được xác lập như là một sản phẩm văn hóa vật thể, hàm chứa một ý nghĩa sâu xa nhất định và là nét đẹp tinh hoa văn hóa truyền thống vốn có của dân tộc ta.

Mâm ngũ quả đã đi vào đời sống tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc Việt, nó được trưng bày cả ở các dịp lễ, hội, lễ cưới... Nhưng mâm ngũ ngày Tết cổ truyền của dân tộc vẫn có ý nghĩa nhất và đã trở thành di sản văn hóa của tổ tiên để lại” - ông Nhâm Hùng chia sẻ.

Mâm ngũ quả ngày Tết, dù ở bất kỳ địa phương nào cũng thể hiện nét đẹp văn hoá và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Phương Nghi