TS. Nguyễn Hoàng Anh
Có rất nhiều người lầm tưởng với sự sụp đổ của Nhà nước Liên Xô và khối XHCN Đông Âu thì có nghĩa rằng chủ nghĩa Mác đã chết và sai lầm. Thế nhưng thực sự không phải như thế, tinh hoa của chủ nghĩa Mác không phải chỉ là một mô hình nhà nước nào đó cụ thể mà là lý tưởng xóa bỏ phân biệt giàu nghèo và công bằng xã hội. Chính Lênin là người đã kế thừa tư tưởng cao đẹp đó của Mác bằng cạch tạo ra chính sách kinh tế mới NEP để nâng tầm chủ nghĩa Mác lên một tầm cao mới.
Với chính sách kinh tế này, Lênin cho rằng các thành phần kinh tế tư bản, tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Thế nhưng, nếu để buông lỏng quản lý cho phát triển tự do thì với lòng tham sẵn có, các ông trùm tư bản tài phiệt sẽ vì đồng tiền mà sẵn sàng chà đạp lên quyền lợi của nhân dân lao động và người nghèo.
Bởi vậy, một chế độ kinh tế lý tưởng ấy là nơi các thành phần kinh tế tư nhân cần phải tự do hoạt động nhưng phải chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước để tính toán phân chia tài sản, lợi nhuận đầu ra cho toàn xã hội bằng việc thi hành các chính sách có lợi cho nhân dân, có lợi cho người nghèo.
Hơn nữa, kinh tế tư bản phát triển theo bản năng tự nhiên, mạnh ai nấy làm do đó nó như một con ngựa bất kham sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm khi không có ai điều khiển. Bởi vậy vai trò của nhà nước là vô cùng quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế để tránh những cuộc khủng hoảng do chủ nghĩa tư bản phát triển không được kiểm soát. Hãy nhìn vào những cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 ở châu Á, khủng hoảng 2008 ở Hoa Kỳ... sau đó lan rộng ra toàn cầu, chúng ta có thể thây sự nguy hiểm của một nền kinh tế không có kiểm soát chặt chẽ của nhà nước sẽ gây hại thế nào.
Rất tiếc Lênin mất đi quá sớm, Stalin lên thay và một số người sau đó đã thực hiện sai những lời dạy của Người. Bởi vậy Nhà nước Liên Xô đã bị sụp đổ một cách vô cùng đáng tiếc chỉ vì những sai lầm chủ quan duy ý chí của những người lãnh đạo không thấu hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin. Ngày nay các nước châu Âu, đặc biệt là các nước Bắc Âu đều đã áp dụng triệt để mô hình kinh tế NEP của Lênin trong việc tổ chức và quản lý nền kinh tế. Hệ quả là các quốc gia này có đời sống nhân dân phát triển rất cao, công bằng và phúc lợi xã hội đầy đủ, nền kinh tế không bị “ngất” hay “choáng váng” bởi các cuộc khủng hoảng tài chính theo chu kỳ từ Hoa Kỳ.
Sau Đại hội Đảng lần thứ VI với chính sách mở cửa, tái cấu trúc lại nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN đã cho thấy một nhãn quan thấu hiểu sâu sắc của Đảng ta trong việc nhận định vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin trong phát triển kinh tế. Bằng việc quản lý và tạo điều kiện cho nền kinh tế tư nhân phát triển, đất nước ta chỉ trong vòng 20 năm đổi mới đã đạt những thành tựu xuất sắc về xóa đói giảm nghèo. Phát biểu nhân dịp ra mắt cuốn sách "Vai trò của thương mại trong xóa bỏ đói nghèo" do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG) cùng soạn thảo, Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo đã ca ngợi tấm gương xóa đói giảm nghèo của Việt Nam.
Trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2012, thị phần thương mại trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng gấp đôi. Giai đoạn này, tỷ lệ dân số đói nghèo ở Việt Nam đã giảm từ hơn 60% xuống dưới 3%.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Dân giàu thì nước mạnh”. Theo tư tưởng của Người thì đất nước chỉ có thể thực sự phát triển khi từng cá thể người dân phải giàu mạnh và làm ăn tấn tới, phát đạt (tầm quan trọng của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của đất nước).
Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam thành công tốt đẹp không những là một sự kiện quan trọng, mà hơn thế Đại hội lần này còn đánh dấu một bước ngoặt lớn trong đường lối và tư duy của Đảng về nhận thức vai trò của kinh tế tư nhân nói riêng và chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung. Trong dự thảo Văn kiện Đại hội XII, Đảng đã xác định rõ vai trò kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Đó cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch dài hạn của Chính phủ trong việc đổi mới thể chế kinh tế đất nước.
Nhân dịp Đại hội thành công tốt đẹp, chúng ta hãy cùng hy vọng Đảng và Chính phủ sẽ thi hành những chính sách triệt để, cách mạng nhất để cải cách nền kinh tế Việt Nam ngày càng trở nên năng động hơn, phát triển hơn, thủ tục hành chính bớt rườm rà hơn. Tất cả nhằm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân bình đẳng phát triển. Đây là yếu tố quan trọng để đạt bền vững trong chính sách xóa đói giảm nghèo của Đảng theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự đúng đắn, lí tưởng cao đẹp bất diệt của chủ nghĩa Mác-Lênin.
NHA