Huy Thiêm
Mấy tuần qua, trên trang mạng xã hội lại xuất hiện một số blogger viết bài xuyên tạc Nghị quyết T.Ư 11, khóa XI của Đảng ta và lập tức được một số đài, báo phương Tây vốn thù địch với cách mạng Việt Nam lợi dung tung hô đưa lên mạng internet.
Họ cho rằng “có mâu thuẫn trong tiêu chí nhân sự”; “phân hóa trong nội bộ Đảng”; “phe lợi ích nhóm đang bị pha loãng…” (!)
Đúng là “nói lấy được”! Trong bất kỳ Đại hội nào của Đảng thì công tác nhân sự cũng là một trong hai nhiệm vụ rất quan trọng được chuẩn bị kỹ trong BCH Trung ương nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của Đảng. Tiến tới Đại hội XII, công tác nhân sự cũng được tiến hành theo quy định của Điều lệ Đảng và theo Chương trình làm việc của toàn khóa đã được đề ra.
Bước tiến mới lần này là BCH T.Ư bàn thảo kỹ hơn, có những quy định, tiêu chí cụ thể hơn; dân chủ, công khai, minh bạch hơn. Ví dụ, quy định riêng 3 nhóm tiêu chuẩn của Ủy viên BCH T.Ư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Ngoài những tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực… lần này Nghị quyết cũng quy định rõ: “không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để mưu lợi; 3 độ tuổi, dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên. Trường hợp đặc biệt cần phải cơ cấu vào BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình BCH T.Ư xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng”…
Đặc biệt là, lần đầu tiên, tất cả những quy định này được công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay sau Hội nghị T.Ư 11 và Đảng đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp. Số đông bày tỏ đồng tình, như nhà báo, CCB Lê Bá Dương, thuộc Văn phòng Báo Văn hóa tại Nam Trung Bộ-Tây Nguyên cho rằng với các quy định về tiêu chuẩn Ủy viên BCH T.Ư, khóa tới sẽ có cơ sở để thanh lọc được những người mắc khuyết điểm.
Còn PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc-nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng thì nhận định: Hội nghị T.Ư 11 đưa ra tiêu chuẩn đối với người cán bộ lãnh đạo trong T.Ư Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư là rất cần thiết. Theo như quy định, người lãnh đạo trong BCH T.Ư sắp tới phải luôn hết mình vì công việc, trách nhiệm, ý thức cao nhất, chứ không được nói một đường làm một nẻo và phải có năng lực tổng hợp trên nhiều lĩnh vực, như ngoại giao, nội trị, quốc phòng, an ninh… để lãnh đạo làm cho đất nước phát triển nhanh hơn.
Tất nhiên, cho dù ra được nghị quyết, nhưng chưa phải là tất cả để bảo đảm nhiệm kỳ tới 100% Ủy viên BCH T.Ư đạt quy định đề ra, nếu như không muốn nói còn rất nhiều khó khăn để Đảng lựa chọn được đủ những người đủ đức, đủ tài vào BCH T.Ư gánh vác trọng trách của Đảng cầm quyền, lãnh đạo đưa đất nước Việt Nam đi lên, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Nhưng rõ ràng đây là một bước tiến lớn của Đảng trong công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội.
Vậy mà trong trang blog cá nhân Kami lại hồ đồ nói: Trong nội bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam có sự phân hóa và chia rẽ thành các phe nhóm hay không là điều không phải bàn cãi… Câu hỏi đặt ra là, vào thời điểm hiện tại tương quan lực lượng giữa các phe nhóm ra sao.
Còn ông Mặc Lâm-biên tập viên RFA thì “chuyện nọ xọ chuyện kia”, lấy danh của người này người nọ, kể cả những người có tiền án chống phá chế độ, như ông Hà Sĩ Phu, rồi gói chung vào “giới trí thức”, mượn câu, mượn chữ phân tích theo chủ ý xấu, cho rằng “vấn đề nhân sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đang là đề tài nóng bỏng trong nội bộ Đảng”.
Lại nữa, Đài BBC không có gì để bình luận, bèn cố “tán” từ Blogger của Phạm Viết Đào, rồi lập lờ đưa ra nhận định: “Trong nội bộ bộ máy lãnh đạo của Đảng có thể sẽ xảy ra “cuộc chiến” quy hoạch…”. Xin hỏi “Nhà đài” rằng: giữa có tiêu chí với không có tiêu chí, hay tiêu chí không cụ thể trong bầu cử thì trường hợp nào dễ xảy ra “cuộc chiến” hơn?
Mặc dù cuối bài viết, vẫn lối “rửa mặt” cũ mèm, thiếu trách nhiệm, BBC, RFA khuyến cáo: “Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả…”, nhưng sao mà che đậy được cái âm mưu thâm độc bên trong và lối “bẻ cong ngòi bút” của họ?
Xin bạn đọc, bạn nghe đài hãy cảnh giác.
H.T