Đã nghe kể nhiều về ông, nhưng mãi đến khi được trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện và chứng kiến cuộc sống của ông, tôi vẫn không khỏi bùi ngùi xúc động. Cả cuộc đời ông là thước phim quay chậm về những tháng ngày tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị khốc liệt, là giây phút cái chết cận kề khi đã bị thương chết đi sống lại vẫn giữ chắc tay súng, và cả khi trở về đời thường với thương tật 2/4, ông vẫn không ngừng sống, làm việc và nuôi khát vọng trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt của đồng đội. Bởi theo ông “Có lẽ, những người đồng đội của tôi trước khi về với đất đã nhường lại cho tôi chút hơi ấm cuối cùng. Tôi có sống thêm bao nhiêu cuộc đời cũng không thể trả hết món nợ này".
Ngày 16-1-1967, chàng trai Lê Văn Chớ tròn 18 tuổi, tạm biệt quê hương lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 17 trinh sát, Trung đoàn 2, Quân khu Trị Thiên Huế. Gần 4 năm, không nhiều cho một đời lính nhưng anh đã kịp tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, 3 lần được tặng thưởng Huân chương Chiến công, 7 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và được tặng 26 Bằng khen. Đặc biệt, trong trận đánh tập kích tiêu diệt Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 54 ngụy trên động Chiêm Dòng (Cao điểm 440) tây Hải Lăng, Quảng Trị, anh đã dẫn bộ đội luồn sâu vào sở chỉ huy và khu thông tin của địch đánh “nở hoa trong lòng địch”. Khi đồng chí Hà Văn Bồng - Đại đội trưởng hy sinh, Lê Văn Chớ đã chỉ huy mũi chủ công lên thay, chỉ huy bộ đội đánh tiêu diệt và làm chủ trận địa. Trong lúc chiến đấu, không may bị thương nặng vào vai, vào tay, anh vẫn chỉ huy bộ đội chiến đấu. Đến khi bị thương lần thứ hai, đạn xuyên từ lưng qua bụng làm đứt 4 đoạn ruột, đứt động mạch mạc treo trong, ruột trào ra ngoài, anh được Tiểu đoàn phó Nguyễn Phi Khương lấy bát sắt úp vào bụng, lấy mũ tai bèo đắp vào quấn chặt rồi đưa về trạm cứu thương dã chiến phía sau trận địa.
Sau trận đánh, Tiểu đoàn 4 có 10 chiến sĩ hy sinh, Dũng sĩ Lê Văn Chớ cũng được đồng đội đã đào huyệt mộ chuẩn bị chôn trên đỉnh Chiêm Dòng. Thế nhưng, điều kỳ diệu đã xảy ra. Sau khi chôn cất 9 thi hài, mọi người phát hiện chiếc túi ni lông thứ 10 bọc Lê Văn Chớ còn phập phồng, thoi thóp. Ngay lập tức, anh được chuyển về hầm phẫu thuật trạm quân y dã chiến.
Sau một năm điều trị, vết thương dần bình phục, Lê Văn Chớ được chuyển về làm trợ lý đặc công ở Bộ Chỉ huy quân sự Hà Tĩnh, rồi dược biệt phái sang Tỉnh đoàn làm Đội trưởng TNXP, tham gia phá bom nổ chậm, đắp đường giao thông tại các trọng điểm dọc đường 15A. Hòa bình lập lại sau 3 năm, Lê Văn Chớ xuất ngũ trong cảnh khốn khó đủ bề. Anh phải làm đủ nghề để kiếm sống, từ bơm vá, sữa chữa xe đạp đến tham gia làm đường. Vậy mà, tinh thần tiến công của những người lính năm xưa được ông phát huy cao độ, cho ra đời HTX xây dựng và thương mại 27/7 năm 1993. Năm 1998, ông tiếp tục hoàn thành xây dựng khách sạn Hoàng Anh - một minh chứng hùng hồn về ý chí quyết tâm của người lính trong trận tuyến chống đói nghèo trên một miền quê đang vươn lên đổi mới. Khách sạn Hoàng Anh và HTX xây dựng và thương mại 27/7 giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục thương binh, bệnh binh, CCB, cựu TNXP và con em của họ. Hằng năm, các cơ sở của ông doanh thu đạt 1 đến 1,2 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 100 triệu đồng.
Dù cuộc sống đã ổn định, vợ đẹp, con ngoan và thành đạt, nhưng sâu thẳm trong lòng người CCB, thương binh ấy là nỗi niềm trăn trở khôn nguôi khi còn biết bao đồng đội của mình vẫn đang nằm lại đâu đó giữa sâu thẳm đại ngàn, núi đỏ. Bởi thế, bên cạnh việc thường xuyên giúp đỡ, cưu mang hàng trăm thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, anh đã vận động đồng đội bỏ ra hàng trăm triệu đồng, lặn lội khắp các chiến trường tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Dấu chân của họ đã in khắp 72 nghĩa trang trên mảnh đất thiêng Quảng Trị và những nơi họ từng chiến đấu để kiếm tìm đồng đội. Gần 1.300 nấm mộ và hài cốt liệt sĩ được cựu binh Lê Văn Chớ và những người đồng đội tìm kiếm, quy tập về các nghĩa trang trong những năm qua là chừng ấy niềm hạnh phúc trong lòng họ và những người thân liệt sĩ. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả, bởi ngoài kia vẫn còn hàng chục nghìn đồng đội vẫn đang là liệt sĩ vô danh. Điều đó vẫn luôn thôi thúc Lê Văn Chớ tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm hài cốt của đồng đội bằng chính ngọn lửa của trái tim mình.
Lặng lẽ thắp nén nhang thơm lên bàn thờ chung của các anh hùng liệt sĩ do chính Lê Văn Chớ lập tại gian phòng khách sạn Hoàng Anh, lòng tôi không khỏi ngậm ngùi. Cầu mong cho các anh nơi chín suối được yên giấc ngàn thu và xin cảm ơn các anh, những người anh hùng trẻ tuổi đã hy sinh thân mình để chúng tôi có được cuộc sống bình yên của ngày hôm nay.
Nguyễn Hằng