8 2022 - Năm 1870, dưới quyền của Na-pô-lê-ông III, nước Pháp gây chiến với nước Đức. Pháp đại bại và bị Đức xâm lược. Na-pô-lê-ông III phải thoái vị. Một chính phủ tư sản phản động do Chi-e đứng đầu được dựng lên ở Pa-ri. Chính phủ này đã ươn hèn, chấp nhận mọi điều kiện của Đức, nộp cho Đức hai tỉnh Andát và Loren cùng hàng chục vạn Franc chiến phí.

Chống chính sách đầu hàng ô nhục của giai cấp tư sản Pháp, ngày 18-3-1871, công nhân và nhân dân Pa-ri nổi dậy khởi nghĩa, giành chính quyền, thành lập một Chính phủ mới của công nhân - gọi là Công xã Pa-ri. Lần đầu tiên trên thế giới, giai cấp công nhân đã tổ chức ra Chính phủ của mình, tự gỉảỉ phóng mình khỏi ách áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản. Bọn phản động Chi-e chạy trốn về Véc-xây. Chúng câu kết với quân đội Đức lúc đó đang ở cửa ngõ Pa-ri, mượn quân đội và khí giới của Đức về đàn áp, tiêu diệt Pa-ri Công xã.

Từ đầu tháng 5-1871, ở Pa-ri đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa một bên là những chiến sĩ Công xã anh dũng với bên kia là quân đội phản cách mạng Pháp và quân đội Đức xâm lược. Ngày 28-5-1871, ụ đề kháng cuối cùng của các chiến sĩ Công xã ở đường Rom-pon-nê bị vỡ. Hơn 10 vạn chiến sĩ Công xã - những người con ưu tú của Pa-ri và nước Pháp đã hy sinh trong chiến đấu hoặc bị bọn sát nhân xử bắn ở bức tường nghĩa địa Pe-rơ-la-se-dơ.

Công xã Pa-ri chỉ tồn tại trong 72 ngày ngắn ngủi, nhưng ''nó là một trang kinh khủng nhất trong cuốn sử biên niên của chủ nghĩa tư bản thế giới'' như Các Mác - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới đã đánh giá.

Chính trong những ngày anh dũng và đau thương ấy - những ngày các chiến sĩ Công xã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng trên các chiến luỹ ở đường phố Pa-ri, bài thơ Quốc tế (lời bài Quốc tế ca ngày nay) ra đời. Nó ra đời trong một đường cống ngầm của Pa-ri cách mạng. Người sáng tác bài thơ bất hủ ấy là Ơ-gien Pốt-chi-ê.

Ơ-gien Pốt-chi-ê xuất thân trong một gia đình công nhân nghèo ở Pa-ri, ông tham gia cuộc Cách mạng năm 1848 ở Pháp, sau đó trở thành một nhà hoạt động tích cực của Quốc tế cộng sản (Quốc tế thứ nhất). Năm 1871, ông tham gia Công xã Pa-ri và là một Uỷ viên Công xã. Ông tham gia chiến đấu bảo vệ Công xã đến những ngày cuối cùng. Chính trong những ngày ấy, tay cầm súng, tay cầm bút, Pốt-chi-ê đã sáng tác bài thơ Quốc tế.

Bài thơ Quốc tế có tên gốc là "Internationale" - tên gọi Hội liên hiệp Quốc tế lao động hồi đó. Bản phỏng dịch đầu tiên ra tiếng Việt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc năm 1925 tạm dịch là "Thế giới đại đồng". Bản dịch ra tiếng Việt mà chúng ta hát ngày nay được phiên âm là Lanhtécnaxiônnalơ.

Bài thơ Quốc tế ra đời trong cuộc đấu tranh sống còn của Công xã Pa-ri, những người mà Các Mác ca ngợi đã "dám xông lên chọc trời". Vì vậy, lời của bài thơ là những tiếng thét đầy phẫn nộ đối với những tên hung thủ đã giết hại Công xã, là niềm tin vào tương lai của giai cấp công nhân Pháp, là lời hiệu triệu cách mạng đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Ngay từ khi ra đời, bài thơ Quốc tế đã có một sức truyền cảm mãnh liệt. Nhưng do sự khủng bố, đàn áp và kiểm duyệt gắt gao của giai cấp tư sản Pháp mà bài thơ không được phổ biến rộng rãi, nó chỉ được công nhân và những học sinh, sinh viên trí thức tiến bộ Pháp chép truyền tay nhau.

Đầu năm 1887, ít lâu trước khi Pốt-chi-ê mất, các chiến sĩ Công xã còn sống đã cùng nhau sưu tầm, sắp xếp các tác phẩm của Pốt-chi-ê rồi cho xuất bản thành tập sách "Những bài ca cách mạng'', trong đó có bài thơ Quốc tế. Sau đó 1 năm (1888), bài thơ Quốc tế được Pie Đờ-gay-tê phổ nhạc.

Pie Đờ-gay-tê (Pierre Degeyter) là người nước Bỉ, ông là một thợ khắc gỗ và là một nhà soạn nhạc có tài. Ngày 18-6-1888, tình cờ Đờ-gay-tê đọc tập thơ "Những bài ca cách mạng''. Bài thơ Quốc tế trong đó đã làm cho ông vô cùng xúc động. Ngay đêm hôm đó, ông mải miết phổ nhạc cho bài thơ. Ba ngày sau, bản nhạc được hoàn thành. Và bốn ngày sau đó, lần đầu tiên bài hát "Quốc tế ca" được đội hợp xướng của công nhân T.P Li-dơ trình diễn trong cuộc họp mặt của công nhân ngành báo chí. Bài ca đã tạo nên một sức mạnh đặc biệt đối với quần chúng. Vì vậy, ngay ngày hôm sau, công nhân T.P Li-dơ đề nghị cho in ngay bản nhạc đó.

Lần in đầu tiên, bản nhạc Quốc tế ca được in 6.000 bản trong một thành phố chỉ có 20 vạn dân. Bài hát được quần chúng hoan nghênh nhiệt liệt và nhanh chóng lan truyền đi khắp nước Pháp. Để tránh sự truy nã của Chính phủ phản động Pháp, tác giả đã đổi tên họ thành Đờ Gây-tê (De Gayter). Mãi đến năm 1926, khi Đờ-gây-tê đến nhà xuất bản đăng ký bản quyền bài hát "Quốc tế ca" thì từ đó mọi người mới biết ông là tác giả của bài ca ấy.

Quốc tế ca có sức truyền cảm mãnh liệt cho nên đại biểu công nhân nhiều nước đi dự các hội nghị quốc tế vào những năm đầu thế kỷ 20 đều rất yêu thích và khi về đã đem phổ biến bài ca đó ở nước mình. Quốc tế ca vì vậy được lan truyền đi khắp thế giới.

Năm 1919, Đệ tam quốc tế (Quốc tế cộng sản) được thành lập. Trong các kỳ đại hội của Đệ tam quốc tế, Quốc tế ca vang lên thay cho tiếng hát của các chiến sĩ cộng sản trên khắp địa cầu. Thế là lời ca chiến đấu của những chiến sĩ Pa-ri công xã năm 1871 đã thực sự trở thành bài ca đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới.

Sau Cách mạng tháng Mười Nga, Chính phủ Liên Xô quyết định lấy Quốc tế ca làm Quốc ca Liên Xô. Năm 1944, sau khi có quốc ca mới, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô quyết định giữ Quốc tế ca làm Đảng ca của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Ở Việt Nam, Quốc tế ca được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền vào Việt Nam cùng với việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1925, khí huấn luyện cho các thanh niên Việt Nam yêu nước tại Quảng Châu, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phỏng dịch Quốc tế ca từ tiếng Pháp ra tiếng Việt theo thể văn lục bát để dạy cho anh em. Bản phỏng dịch đó được in trong số 1 báo Thanh niên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Quảng Châu, Trung Quốc. Chính những thanh niên yêu nước được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dìu dắt đã mang bài hát đó về phổ biến ở trong nước. Quốc tế ca nhờ thế đã nhanh chóng được phổ biến trong quần chúng, nhất là từ khi Đảng ta ra đời và được hát công khai tại các cuộc biểu tình trong cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh.

Quốc tế ca - bài ca cách mạng phổ biến nhất trong nhân dân lao động thế giới ngày nay cũng là bài ca chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Đúng như Lênin đã viết: Bài ca ấy đang có một sức sống mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Đại tá, TS. Vũ Tang Bồng