Nhật ký của cựu binh Gạc Ma - Võ Tá Du.

“Em có nghe không Tổ quốc mình đang gọi” - lời thơ như chứa chất máu đào từ huyến quản của người lính đảo Gạc Ma năm xưa. Đó là câu thơ cuối ở bài thơ ngắn trong cuốn “Nhật ký đặc biệt” của Đại úy Võ Tá Du - nguyên Thuyền phó tàu HQ-505 chứng nhân sự kiện “Gạc Ma 14-3-1988”, được nhạc sĩ Trần Văn Nhĩ phổ nhạc thành ca khúc “độc lạ” có một không hai về “sự kiện Gạc Ma” ngày ấy.

Anh Nguyễn Thế Kim - Phó giám đốc Xí nghiệp dịch vụ Cảng và Cung ứng vật tư thiết bị, nguyên Chánh Văn phòng Đảng ủy Vietsovpetro, gửi cho tôi mấy dòng qua zalo: “Anh ạ! Em Kim kính giới thiệu đến anh và tác phẩm của nhạc sĩ Trần Văn Nhĩ - bố đẻ của anh Trần Văn Tư ở Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng. Cụ Nhĩ vừa mất tuần trước, hôm qua em mới được nghe bài này, rất xúc động, em gửi anh xem nhé. Bản nhạc như một nén hương tưởng nhớ Cụ! Kính mời anh nghe tác phẩm trên Youtube!”, kèm theo là bản nhạc “Nhớ thương vô cùng Gạc Ma”. Bản nhạc của nhạc sĩ Trần Văn Nhĩ, phổ nhạc bài thơ của Đại úy Võ Tá Du.

“Ních chuột” vào đường link anh Nguyễn Thế Kim gửi, mắt tôi nhòe đi khi dòng chữ hiện lên: “Nhưng em ơi phía này là quần đảo Trường Sa/ Em có nghe không Tổ quốc mình đang gọi”.

Tôi sực nhớ đã từng gọi điện cho Đại úy Võ Tá Du để nghe anh kể về “Sự kiện Gạc Ma” trong dịp nhiều địa phương trên cả nước tổ chức chương trình “Gạc Ma 30 nhìn lại”.

Lục tìm số điện thoại, tôi gọi cho anh Du. Từ đầu dây điện thoại là giọng của người phụ nữ bảo: “Anh Du giờ nặng tai lắm, không nghe được. Anh chị đang về quê. 10 giờ, em gọi lại nhé” - ký ức về Trường Sa và sự kiện Gạc Ma ùa về xúc động trong tôi. Người phụ nữ ấy là vợ anh Du - chị Nguyễn Thị Hòa.

Bản nhạc “Nhớ thương vô cùng Gạc Ma” được sáng tác trên nền thơ của “Người sống sót từ Gạc Ma” trở về - Đại úy Võ Tá Du. Tác giả của bản nhạc “Nhớ thương vô cùng Gạc Ma” là bố ruột của đảng viên Trần Văn Tư, hiện đang công tác ở Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.

Bài hát “Nhớ thương vô cùng Gạc Ma” không chỉ là bản nhạc phản ánh chân thực cuộc chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh của 64 cán bộ, chiến sĩ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, tàu HQ -505, HQ-605, HQ-604 vào trung tuần tháng 3-1988; mà còn là khúc ca bi tráng nhất kể từ khi đất nước hòa bình lặng im tiếng súng.

Bản nhạc “Nhớ thương vô cùng Gạc Ma” cũng là niềm đau đáu của triệu người dân Việt Nam với khát vọng mong muốn thế giới hòa bình, biển đảo Trường Sa, DK1 luôn bình yên theo đúng tên gọi của một đất nước có chủ quyền độc lập về phân định lãnh thổ, lãnh hải. Nó cũng là thông điệp đặt ra cho người Việt trong bảo vệ giữ gìn biển đảo quê hương thời kỳ mới.

Dẫu lịch sử đã sang trang mới, dòng chảy thời gian đã đưa “sự kiện Gac Ma” lùi vào dĩ vẵng. Nhưng không vì thế mà làm lu mờ tinh thần ngoan cường, chiến đấu và anh dũng hy sinh của những chiến sĩ Gạc Ma ngày ấy, mà bản nhạc “Thương nhớ vô cùng Gạc Ma” là sự hiện thân của tinh thần chiến đấu và anh dũng hy sinh đó.

Nhắc lại “sự kiện Gạc Ma” không phải “khơi lại ký ức bi thương”, nhưng đã là “vết tích lịch sử” của dân tộc thì không ai được phép lãng quên. Nó càng được nhắc nhớ trong tương lai để thế hệ trẻ Việt Nam thấy rằng, để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống. Để có cuộc sống sung sướng, hưởng thụ của tuổi trẻ hôm nay; máu đào của những người lính Gạc Ma năm xưa đã hòa vào biển cả. Và cả những người lính Trường Sa, DK1 hôm nay đang ngày đêm thầm lặng cống hiến tuổi thanh xuân cho sự yên bình của Tổ quốc hằng ngày, hằng giờ.

Nhạc sĩ Trần Văn Nhĩ đã vào cõi vĩnh hằng, nhưng ông đã để lại cho nhân thế một bản nhạc đặc biệt về “Sự kiện Gạc Ma” mang hồn Tổ quốc. Và nó mãi là “Bản nhạc tri ân 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh ngày 14-3-1988”.

Bộ đội Hải quân mãi nhắc nhớ đến Trần Văn Nhĩ - người nhạc sĩ tài hoa có ca khúc “chuyên biệt” về “Sự kiện Gạc Ma” ngày ấy.

  Mai Thắng