Những lời giới thiệu “có cánh” của FiBo trên website của đơn vị này và đơn đề nghị đối thoại của khách hàng gửi FiBo Holdings. 

Ngày 3-10-2023, Công ty cổ phần Fibo Holdings (gọi tắt là Fibo Holdings) phát đi thông báo gửi khách hàng (nhà đầu tư) phương án xử lý các khoản nợ phải thanh toán theo các hợp đồng hợp tác đầu tư đã ký với khách hàng trong thời gian qua.

Theo đó, nội dung Văn bản số 1007/2003/CV-FBH của Fibo Holdings do ông Võ Bình Nguyên - Chủ tịch HĐQT Công ty này ký, đưa ra một loạt danh mục các tài sản về bất động sản và cổ phần/cổ phiếu doanh nghiệp để chuyển đổi cho hợp đồng hợp tác đến hạn phải thanh toán.

Cụ thể, về bất động sản Fibo Holdings đưa ra 60 bất động sản tại các địa phương, bao gồm: 6 lô đất ở lâu dài tại huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa; 34 lô đất ở Dự án Chợ đầu mối Chân Cầu, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; 15 lô đất ở Khu dân cư Nam An, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận; 2 lô đất ở Khu đô thị Him Lam T.P Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh và 4 lô đất ở lâu dài tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Giá trị của các bất động sản thấp nhất là 510 triệu đồng/lô và cao nhất là 7,8 tỷ đồng/lô tại KĐT Him Lam.

Bên cạnh đó, FiBo Holdings sử dụng 7.200.000 cổ phần/cổ phiếu tại các doanh nghiệp (Công ty CP tập đoàn giáo dục Trí Việt; Công ty CP Blusaigon; Công ty CP Naturex - Việt Nam; Công ty CP Fibo Holdings; Công ty CP đầu tư Fibo Capital Việt Nam và Công ty CP Fibo Invest), tương đương khoảng 238 tỷ đồng để xử lý cho các hợp đồng hợp tác đầu tư đến hạn phải thanh toán.

Văn bản số 1007 của Fibo Holdings cũng nêu lý do danh sách các tài sản nêu trên có thể thay đổi theo từng thời điểm phù hợp với tình hình thực tế tại công ty này.

Ngoài ra, Fibo Holdings cho hay, về tỷ lệ chuyển đổi tối đa giá trị tài sản cho từng bất động sản: Dự án Chợ đầu mối Chân Cầu, Khu đô thị Him Lam, Khu dân cư Nam An tối đa 50%; tài sản đất ở lâu dài tối đa là 100% giá trị.

Tuy nhiên, trao đổi với PV về vấn đề trên, một số nhà đầu tư cho hay: Phía FiBo Holdings đưa ra danh mục như thế nhưng họ không chứng minh được đó là các tài sản thuộc FiBo Holdings đang sở hữu, đứng tên.

“Nếu danh sách các bất động sản và số cổ phần/cổ phiếu này mà FiBo Holdings sao gửi kèm các tài liệu, chứng cứ chứng minh đó là các tài sản thuộc sở hữu của FiBo Holdings thì là chuyện khác. Nhưng đây, họ chỉ đưa ra một loạt danh sách tên các tài sản mà không hề có các tài liệu chứng minh đó là tài sản của họ nên chúng tôi không thể đồng ý với phương án FiBo Holdings đưa ra”.

“Qua tìm hiểu, như Dự án Chợ đầu mối Châu Cầu thì đây là Dự án của Hợp tác xã Hải An - đâu phải của FiBo Holdings. Chúng tôi nghi ngờ phía Fibo Holdings có thể có đầu tư vào đây một chút, nhưng qua những lần làm việc họ không chứng minh được là họ đầu tư vào đây hay không. Nếu danh sách họ thông báo trả cho chúng tôi mà kèm theo đó là bản phô tô sổ đỏ đứng tên FiBo Holdings thì có thể chúng tôi tin. Nhưng đây họ không đưa ra được tài liệu nào chứng minh đó là tài sản của họ. Khi đến làm việc, họ nói sẽ chuyển đổi tài sản bất động sản cho các nhà đầu tư thì lại xuất hiện 1 Công ty lạ hoắc đứng ra làm thủ tục. Khi gặp vị giám đốc công ty lạ hoắc này, chúng tôi đã hỏi: “Phía công ty có liên quan gì tới FiBo Holdings hay không mà đứng ra xử lý các tài sản cho FiBo Holdings, thì vị này nói công ty của họ không liên quan gì đến FiBo Holdings cả!” - ông P.M.C, một nhà đầu của FiBo Holdings thông tin.

Được biết, theo kế hoạch, ngày 5-12, nhiều nhà đầu tư đã đăng ký đến trụ sở của FiBo Holdings để đối thoại, làm rõ về thông báo 1007 cũng như phương án xử lý các khoản đến hạn phải thanh toán mà FiBo Holdings đã nhiều lần khất nợ. Tuy nhiên, ngày 1-12, sau khi gửi đơn không thấy FiBo Holdings phản hồi, nhiều nhà đầu tư đã đến trụ sở Công ty FiBo Holdings tại tầng 3 tháp A tòa nhà Dophil Plaza, số 6 phố Nguyễn Hoàng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm để nộp đơn đề nghị đối thoại công khai thì phát hiện FiBo Holdings có thông báo số 12/2023/TB-PBH về việc sửa chữa lại văn phòng làm việc trên Zalo CSKH-Fibo Capital. Thời gian sửa chữa từ ngày 1-12 đến ngày 10-12. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho biết họ chưa hề nhận được văn bản thông báo chính thức về việc sửa chữa văn phòng làm việc của Fibo Holdings qua đường bưu điện.

Trước đó, như Báo CCB Việt Nam đã đưa tin về trường hợp ông P.M.C., trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), vào đầu năm 2022, ông này đã đầu tư 500 triệu đồng vào FiBo Holdings, đổi lại phía FiBo Holdings cam kết trả lãi suất lên tới 13,55%/năm, cao hơn lãi suất gửi ngân hàng, khiến ông C. sập bẫy. Điều đáng nói, sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, ông C. đã không xem lại các quy định trong hợp đồng và gặp gỡ trực tiếp bộ phận quản lý của FiBo Holdings để cùng xem dòng tiền đầu tư của mình bỏ vào được FiBo Holdings sử dụng ra sao. Sau khi ký hợp đồng và được cấp 1 Giấy chứng nhận đầu tư, phía FiBo Holdings cũng không có thông báo, trao đổi gì về số tiền ông C. đã bỏ vào đầu tư. Bẵng đi, hết thời hạn hợp đồng, khi đến FiBo Holdings đề nghị thanh toán thì ông C. mới vỡ lẽ… Công ty đưa ra một loạt khó khăn…, nên chưa có nguồn thanh toán. Cả gốc và lãi đến hạn thanh toán ông C. không nhận được đồng nào.

Ngoài ông C., nhiều khách hàng khác cũng chung hoàn cảnh tương tự như khi kí hợp đồng hợp tác đầu tư với FiBo Holdings. Đơn cử như trường hợp bà N. T. H.; ông Đ. T. H và bà V. T. T. H. cùng ở Gia Lâm (Hà Nội) cũng đã nhiều lần làm việc với ban lãnh đạo FiBo Holdings về khoản hợp tác đầu tư đã quá hạn nhưng không được thanh toán.

Cụ thể, Hợp đồng của bà N.T.H. đến hạn thanh toán vào ngày 23-12-2022 và Hợp đồng của vợ chồng ông Đ.T.H. và bà V.T.T.H. (ký 4 hợp đồng) với số tiền đầu tư vào FiBo Holdings 600 triệu đồng, đến hạn thanh toán vào cuối tháng 12-2022 và đầu tháng 1-2023 nhưng cũng không thể nhận được gốc và lãi.

Đổi lại, tương tự như ông C. ở quận Thanh Xuân, hầu hết những người ở Gia Lâm cũng nhận được phương án chuyển đổi thỏa thuận hợp tác thành tài sản có giá trị trong hệ sinh thái FiBo Holdings (giá chuyển đổi theo mức định giá đối với từng loại tài sản) hoặc gia hạn thêm thời gian hợp tác từ 6-12 tháng.

Tư Hoành